Nữ 16 tuổi có thể được kết hôn

Đó là một trong những điểm mới của dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) sửa đổi được đưa ra thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH ngày 13-1.

Phải có người giám hộ

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, trong quá trình thảo luận và góp ý cho Luật HN&GĐ sửa đổi, ngoài Bộ Tư pháp thì một số đại biểu QH cũng đề nghị cân nhắc bổ sung quy định ngoại lệ đối với trường hợp nữ chưa đủ 17 tuổi nhưng vẫn được quyền kết hôn. “Thực trạng kết hôn sớm theo tập quán vẫn diễn ra khá phổ biến ở một số vùng, miền dù quy định về độ tuổi kết hôn hiện hành đã được thực hiện ổn định trong thời gian dài. Việc bổ sung quy định ngoại lệ giúp bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, đặc biệt là trẻ em được sinh ra trong trường hợp này” - bà Mai cho hay.

Thực trạng kết hôn sớm theo tập quán vẫn diễn ra khá phổ biến ở một số vùng, miền, nhất là đồng bào dân tộc. Ảnh minh họa: Ngân Hoa

Tuy nhiên, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng nếu bổ sung quy định trên thì phải kèm theo những điều kiện chặt chẽ như phải được hai bên gia đình công nhận hoặc được sự đồng ý của người giám hộ, đã có con chung... Đồng thời, trên cơ sở luật định, Chính phủ sẽ hướng dẫn các trường hợp đặc biệt kết hôn trong độ tuổi 16.

Giải thích thêm về quy định trên, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết quy định trên chỉ áp dụng đối với một số nơi, nhất là đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, khi kết hôn thì các em cần có cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý bằng văn bản. “Hiện nay, chúng ta quy định nữ 17 tuổi một ngày là được kết hôn. Nhưng trong cuộc sống thì vẫn xảy ra tình trạng tảo hôn và việc xử lý là rất khó. Do đó, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật để quy định sao cho phù hợp” - ông Cường nói.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng cho rằng phong tục của người dân nhiều nơi còn khác lắm chứ không như mong muốn của những người lập pháp. Do đó, cần rà soát để tính toán quy định cho phù hợp.

Không quy định trái tuyến trong khám, chữa bệnh

Đối với dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, một số đại biểu đề nghị không thanh toán khám, chữa bệnh BHYT nếu bệnh nhân tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai cho rằng nguyên nhân dẫn đến người bệnh phải tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến là do trình độ chuyên môn kỹ thuật của cán bộ y tế, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh của tuyến dưới còn hạn chế. Trong khi người bệnh muốn được khám, chữa bệnh với chất lượng tốt, nhanh khỏi bệnh. “Đây là nguyện vọng chính đáng và quỹ BHYT phải có trách nhiệm xử lý vấn đề này một cách hợp lý và mức chi trả cụ thể giao cho Chính phủ quy định để linh hoạt và đảm bảo cân đối quỹ” - bà Mai nói.

Chưa hài lòng khi dự thảo vẫn quy định theo hướng “bắt buộc người tham gia BHYT phải khám, chữa bệnh đúng tuyến”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng không được quy định hạn chế người dân đến khám chỗ này thì được, chỗ kia không được. Như thế là làm khổ dân. “Nhà tôi ngay cạnh bệnh viện mà lại bắt tôi phải cầm thẻ đi đến chỗ khác mới được điều trị là không được” - ông Hùng ví dụ.

“Chúng ta đang hạn chế quyền chữa bệnh của dân bằng cách quy định chữa bệnh trái tuyến. Như thế là vi phạm quyền chữa bệnh của dân. Bởi tôi có thẻ BHYT, tôi ra Hà Nội công tác bị ốm thì phải được chữa bệnh ngay ở Hà Nội chứ sao lại bắt tôi phải vào miền Trung mới được chữa” - ông Hùng nói và cho rằng nếu vẫn cứ quy định trái tuyến thì sẽ còn phát sinh tiêu cực, làm giảm y đức.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cũng đề nghị cứ bị ốm đau đến cơ sở y tế dù công hay tư thì cũng được hưởng chính sách BHYT chứ không quy định đến trái tuyến hay không trái tuyến.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã thảo luận và cơ bản đồng ý với những tiếp thu, chỉnh lý đối với các nội dung quy định trong dự thảo Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm