Nữ cảnh sát khu vực ở TP Thủ Đức đi chợ giúp dân

Trong những ngày TP.HCM tăng cường siết chặt giãn cách xã hội từ ngày 23-8, các lực lượng ở địa phương trong đó có công an phường đã cùng chung tay đi chợ giúp người dân nhằm đảm bảo việc “ai ở đâu ở yên đó”.

PV Pháp Luật TP.HCM đã theo chân một nữ cảnh sát khu vực (CSKV) ở TP Thủ Đức để ghi nhận một ngày làm việc tất bật của chị.

Trung tá Đinh Thị Diệu Hạnh, cảnh sát khu vực Công an phường Hiệp Phú,
TP Thủ Đức, bắt đầu một ngày làm việc từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối. Ảnh: TS

5 giờ sáng đi, 9 giờ tối về

Trung tá Đinh Thị Diệu Hạnh, CSKV Công an phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, bắt đầu một ngày làm việc từ 5 giờ sáng. Rời khỏi nhà, việc đầu tiên là Trung tá Hạnh đến trụ sở công an phường ở đường Trương Văn Thành để lấy quân trang.

Khoảng thời gian từ 6 giờ đến 10 giờ, Trung tá Hạnh sẽ đến các chốt kiểm soát trên địa bàn phường để kiểm tra giấy tờ và kiểm soát việc ra đường của người dân. Đến 10 giờ, chị quay về trụ sở công an phường lấy sổ sách mà mình đã ghi tên tỉ mỉ từng người dân nhờ mua thực phẩm, thuốc men từ hôm trước.

Trung tá Đinh Thị Diệu Hạnh sử dụng xe đặc chủng của đơn vị đi mua hàng giúp người dân trong khu vực. Ảnh: TS

Để thuận tiện trong việc giao hàng hỗ trợ người dân, Trung tá Hạnh được trưởng Công an phường Hiệp Phú giao riêng một xe đặc chủng. Chị Hạnh sẽ lái xe đến Siêu thị Bách Hóa Xanh đưa cho nhân viên từng đơn hàng mà người dân nhờ mua.

Trong lúc chờ nhân viên siêu thị chuẩn bị, chị Hạnh kiểm tra kỹ càng từng món hàng rồi gọi điện thoại: “Alô chị Liễu hả, tôi là Hạnh CSKV đây, đơn hàng của chị tôi đã mua xong rồi, khoảng 10 phút nữa tôi tới giao nha!”. Lần lượt như vậy, chị gọi điện thoại thông báo cụ thể đến từng người dân đã nhờ đặt mua hàng giúp sau mỗi đơn hàng được nhân viên siêu thị chuẩn bị xong.

Khi nhân viên siêu thị giao hàng, Trung tá Hạnh kiểm tra từng món xong gọi điện báo cho người dân thông báo hàng đang chuẩn bị giao. Ảnh: TS

Sắp xếp xong xuôi, chị chuyển hàng lên thùng xe rồi đi giao đến từng người. Với những hẻm sâu, nữ CSKV phải để xe đặc chủng bên ngoài rồi xách giỏ hàng nặng trĩu len lỏi gõ cửa từng nhà dân.

“Chị Liễu ơi, tôi Hạnh đem hàng tới” - Trung tá Hạnh gọi cửa báo cho người trong nhà. Ít phút sau, bà Đoàn Thị Thúy Liễu mở cửa, Trung tá Hạnh nói: “Tôi để xuống dưới nền này nha, của chị là 411.000 đồng”.

Trung tá Hạnh nhận tiền rồi tiếp tục sang một nhà trọ khác: “Hàng này của em phải không? Em cầm hóa đơn hơn 600.000 này nè”. Cứ thế, công việc của Trung tá Hạnh sẽ kết thúc lúc 9 giờ tối mỗi ngày.

Từng đơn hàng nặng trĩu được Trung tá Hạnh đem vào khu cách ly cho người dân. Ảnh: TS

Đôi khi chạnh lòng vì bị nói “làm màu”

Theo ghi nhận, các đơn hàng mà người dân nhờ mua hộ thường là thực phẩm và thuốc men...

Trung tá Nguyễn Mai Chức, Trưởng Công an phường Hiệp Phú, cho biết ngày 27-8, nắm được thông tin một chủ hồ cá ở TP Thủ Đức đang gặp khó khăn do không bán được cá, một cán bộ công an phường đã kết nối, giúp bà con trên địa bàn phường mua được cá tươi với giá ưu đãi.

Mỗi lần hàng được giao xong, Trung tá Hạnh mới nhận tiền của người dân theo từng hoá đơn của siêu thị giao. Ảnh: TS

Những con cá to vừa được kéo lên từ dưới ao nhanh chóng được công an phường dùng xe đặc chủng đi mua giúp, chở tới các điểm phong tỏa và giao tận tay người dân.

“Nhiều lúc đã 23 giờ, trời mưa tầm tã nhưng cán bộ chúng tôi vẫn đi giao hàng, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân. Chưa kể chúng tôi vẫn phải trực tuần tra, trực chốt…” - Trung tá Chức nói thêm.

Theo Trung tá Hạnh, hầu hết lực lượng công an phường đều làm việc cả ngày lẫn đêm, đứng nắng mưa để trực chốt kiểm soát rồi bảo vệ điểm tiêm vaccine... Tất cả việc này, các cán bộ đều phải tiếp xúc với nhiều người và có nguy cơ lây nhiễm cao.

“Đối với nữ thì công việc thường kết thúc lúc 20-21 giờ, riêng nam thì có thể xuyên đêm vì phải đi tuần tra nữa” - Trung tá Hạnh nói và cho hay hầu hết cán bộ không còn thời gian lo cho gia đình. Con cái phải đi gửi để tránh lây nhiễm chéo.

Từng đơn hàng được Trung tá Hạnh đưa lên xe đặc chủng ngăn nắp, sạch sẽ để đem cho người dân. Ảnh: TS

Tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện nhiều thông tin trên các trang mạng xã hội cho rằng công an “làm màu”, hay hình ảnh Công an phường Hiệp Phú mang cá giao cho người dân chỉ là “làm màu”. Điều này đã khiến không ít cán bộ chạnh lòng.

Trung tá Hạnh nói bản thân chị và gia đình để có thể ăn bữa cơm cùng nhau cũng là rất hiếm. “Đôi lúc chúng tôi cũng thấy chạnh lòng khi bị nói “làm màu”. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cố gắng hết sức, làm bất kể ngày lẫn đêm, bất kể nắng hay mưa đến mức da thành hai màu luôn rồi” - Trung tá Hạnh chia sẻ.

Các đơn hàng sau đó được Trung tá Hạnh chở đến các khu phong toả đưa cho người dân. Ảnh: TS

 

Trung tá Hạnh một mình len lỏi trong các con hẻm để đem hàng đi mua hộ đến cho người dân. Ảnh: TS 

Trung tá Hạnh nói trong mùa dịch bệnh anh em làm việc đến mức da thành hai màu luôn rồi. Ảnh: TS

Lập các tổ hậu cần hỗ trợ đi chợ giúp dân

Để đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong thời gian siết giãn cách từ ngày 23-8 đến 6-9, UBND TP.HCM đã có Kế hoạch khẩn số 2798, trong đó nêu rõ nguyên tắc không để người dân nào bị thiếu đói.

Cụ thể, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức đi chợ hộ do tổ hậu cần địa phương, tổ COVID-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương (hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, MTTQ, tổ dân phố...), các lực lượng công an, quân đội đang được tăng cường tại địa phương cùng tham gia hỗ trợ.

Việc đi chợ hộ thực hiện với tần suất một lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền).

Để thực hiện việc đi chợ hộ, TP.HCM giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thành lập các tổ hậu cần theo từng phường, xã, thị trấn.

Các tổ này phải chịu trách nhiệm về công tác cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn, không để cho bất cứ người dân nào sinh sống trên địa bàn không có điều kiện tiếp cận, mua sắm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm