Đêm 2-5 (giờ địa phương), hàng trăm người tiếp tục biểu tình bất chấp lệnh giới nghiêm tại Baltimore (bang Maryland). Trong ngày, khoảng 2.000-3.000 người đã tuần hành ở Baltimore để đòi công lý cho nạn nhân da đen Freddie Gray (tử vong vì bị chấn thương cổ sau khi bị cảnh sát bắt).
Tuần hành diễn ra trong hòa bình. Reuters ghi nhận bà Thị trưởng Stephanie Rawlings-Blake cũng tham gia tuần hành. Vệ binh quốc gia đã huy động 3.000 quân bảo đảm an ninh.
Những người tuần hành yêu cầu công lý không chỉ được thực thi ở Baltimore mà phải được áp dụng trên cả nước để chấm dứt tình trạng các cộng đồng thiểu số bị cảnh sát đối xử tệ bạc.
Báo Le Monde (Pháp) nhận định trong vụ nạn nhân Michael Brown bị cảnh sát bắn chết ngày 9-8 năm ngoái ở Ferguson, nạn nhân là người da đen còn cảnh sát trưởng, thị trưởng, công tố viên trưởng đều là người da trắng.
Ngược lại, trong trường hợp nạn nhân Freddie Gray tử vong hôm 19-4 ở Baltimore, nạn nhân và các nhân vật chủ chốt đều là người da màu.
Bà Marilyn Mosby được xem như nữ anh hùng khi quyết định truy tố sáu cảnh sát hôm 1-5. Ảnh: AP
Nạn nhân Freddie Gray (25 tuổi): Gia đình nạn nhân sống bằng tiền bồi thường nhận được từ năm 2008 sau khi kết quả xét nghiệm cho thấy máu họ có nồng độ chì cao do môi trường bị ô nhiễm ở khu phố Sandtown.
Nạn nhân Freddie Gray sống với bà mẹ đơn thân, mù chữ, thời trẻ trót nghiện heroin. Freddie Gray đã từng bị bắt 18 lần, chủ yếu do tàng trữ ma túy và đã trải qua hai năm trong trại giam.
Theo kết quả điều tra và kết quả giải phẫu pháp y, nạn nhân tử vong từ một vết thương trí mạng do không khoác dây an toàn trong xe cảnh sát trong khi tay chân bị cột và xe đã dừng lại ba lần.
Công tố viên trưởng Marilyn Mosby (35 tuổi): Bà Marilyn Mosby (đảng Dân chủ) sinh ra ở Boston trong gia đình cảnh sát, học đại học luật, kết hôn với một ủy viên hội đồng TP.
Bà được bầu làm công tố viên trưởng hồi tháng 11-2014 và trở thành công tố viên liên bang trẻ nhất nước Mỹ sau một thời gian làm trợ lý công tố viên và luật sư cho công ty bảo hiểm.
Vụ án Freddie Gray là vụ khó đầu tiên của bà. Bà đã được xem như nữ anh hùng ở Baltimore sau khi quyết định truy tố sáu cảnh sát hôm 1-5. Sau vụ nạn nhân Michael Brown bị bắn chết ở Ferguson, đây là lần đầu tiên cảnh sát sai phạm bị truy tố.
Thị trưởng Stephanie Rawlings-Blake (45 tuổi): Bà là nhân vật có thế lực trong đảng Dân chủ. Mẹ bà là bác sĩ nhi khoa và cha bà nguyên là hạ nghị sĩ bang Maryland. Sau khi học chính trị học và luật, bà làm việc trong nhiều cơ quan của đảng Dân chủ ở bang Maryland.
Năm 25 tuổi, bà trở thành người phụ nữ trẻ tuổi nhất được bầu vào hội đồng TP. Sau đó, bà được bầu làm phó chủ tịch rồi chủ tịch hội đồng TP và thị trưởng Baltimore vào tháng 2-2010.
Cảnh sát Baltimore: Cảnh sát trưởng Anthony Batts (55 tuổi) giữ chức vụ này từ năm 2012. Phần lớn thời gian trong nghề ông làm việc ở bang California. Vợ ông từng là hạ nghị sĩ bang California.
Sáu cảnh sát gồm ba người da trắng và ba người da màu, bị truy tố vì bắt, giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, vô ý làm chết người. Ngày 1-5, họ đã bị thẩm vấn và đến tối được tự do sau khi nộp bảo lãnh từ 250.000 đến 350.000 USD. Ngày 27-5, dự kiến tòa sẽ xét xử.
Luật sư Michael Davey đại diện cho sáu cảnh sát bị truy tố nhận xét: “Tôi chưa từng thấy một quyết định truy tố nào được đưa ra hấp tấp như thế”. Nghiệp đoàn cảnh sát Baltimore đã gửi thư ngỏ tố cáo quyết định truy tố có dấu hiệu xung đột lợi ích, đồng thời đề nghị cử một công tố viên độc lập. |