Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Dương, từ tháng 2 đến tháng 7-2012, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vinh Sâm (gọi là Công ty Vinh Sâm), do bà Trịnh Thị Ngọc Sâm làm giám đốc, đã hai lần thuê Công ty Cổ phần và Đóng gói Thủy hải sản (gọi tắt là Công ty USPC) gia công lô hàng cá ngừ Loin xông CO. Trong hai lần này hợp đồng thực hiện đúng thỏa thuận.
Bị truy tố hai tội
Ngày 27-7-2012, Công ty Cổ phần Tuna Fish Bình Định ký hợp đồng giao nguyên liệu cá ngừ cho Công ty Vinh Sâm để công ty này thuê Công ty USPC gia công cá ngừ thành phẩm. Công ty USPC đồng ý nhận gia công cho Công ty Vinh Sâm 20 tấn cá ngừ thành phẩm. Lần này giữa bà Trang (phó tổng giám đốc USPC) và bà Sâm thỏa thuận hợp đồng gia công nhưng chưa ký chính thức.
Đầu tháng 8- 2012, Công ty USPC đã nhận lô hàng cá ngừ gần 24 tấn cho Công ty Vinh Sâm chuyển đến để gia công. Khi Công ty USPC gia công xong hơn 11 tấn thì ngừng và thông báo cho Công ty Vinh Sâm đến nhận hàng thành phẩm và phải trả hơn 300 triệu đồng. Để thực hiện yêu cầu này, Công ty Vinh Sâm đã thuê xe container và cho người đến Công ty USPC thanh toán, nhận lại cá. Tuy nhiên, bà Trang lấy lý do bà Sâm không thông báo trước và Công ty USPC nghỉ lễ 10 ngày nên không giao hàng.
Trong thời gian trì hoãn việc giao hàng, bà Trang đặt vấn đề với bà Sâm để Công ty USPC xuất khẩu ủy thác lô hàng xuất khẩu cá ngừ trên cho khách hàng tại Mỹ, bên ủy thác là Công ty Tuna Fish Bình Định. Tuy nhiên, việc ủy thác giữa các bên không thống nhất với nhau.
Mặc dù bà Sâm không đồng ý việc xuất khẩu ủy thác và đã yêu cầu trả lại hàng gia công nhưng bà Trang vẫn xuất bán cho khách hàng Mỹ. Vì thế bà Sâm nộp đơn lên cơ quan công an. Lúc này bà Trang báo cho bà Sâm biết số hàng cá ngừ đang trên đường sang Mỹ và sẽ triệu hồi về Việt Nam trả lại.
Ngày 9-11-2012, Công ty Chungcheng Fish tại Singapore đóng lô hàng (hàng do Công ty USPC nhập từ Singapore về Việt Nam) để trả lại cho bà Sâm. Khi nhập khẩu lô hàng từ Singapore về, bà Trang ký công văn gửi Cục Hải quan Bình Dương và Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần về việc xin tái nhập hàng đối với lô hàng đã xuất. Do đó hải quan không tính thuế đối với lô hàng.
Qua điều tra, công an xác định Công ty USPC khai sai về nguồn gốc lô hàng cá ngừ từ Singapore về Việt Nam trọng lượng hơn 11 tấn nhằm trốn nghĩa vụ nộp thuế nhập khẩu với số tiền hơn 470 triệu đồng. Còn riêng lô hàng hơn 11 tấn cá ngừ nhập từ Singapore, bà Trang nói với bà Sâm đây là hàng thành phẩm của Công ty Vinh Sâm và yêu cầu nhận lại, đồng thời phải thanh toán toàn bộ chi phí hơn 3 tỉ đồng.
Ngày 18-11-2014, Công an tỉnh Bình Dương khởi tố bắt tạm giam đối với bà Trang, sau đó cho tại ngoại.
Có oan?
Theo hồ sơ, ngày 17-11-2012, Công ty USPC mở tờ khai làm thủ tục nhập khẩu triệu hồi lô hàng hơn 11 tấn cá ngừ đã xuất khẩu trước đó trả cho Công ty Tuna Fish Bình Định. Sau khi làm thủ tục tái nhập lô hàng trên, Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần đã có quyết định không thu thuế.
Tuy nhiên, sau 20 tháng, đến ngày 18-7-2014, Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần quyết định ấn định thuế đối với lô hàng nhập khẩu (lô hàng triệu hồi) hơn 470 triệu đồng với lý do: “Chưa đủ căn cứ để khẳng định lô hàng tái nhập hơn 11 tấn cá ngừ của lô hàng trước đó. Tuy nhiên, để kết luận lô hàng này có đúng là lô hàng xuất khẩu trước đó hay không thì chưa đủ căn cứ”.
Đến ngày 16-9-2014, Công ty USPC đã nộp số tiền thuế hơn 470 triệu đồng. Hai ngày sau, cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Như vậy, quyết định khởi tố vụ án được ban hành sau khi Công ty USPC đã hoàn thành nghĩa vụ thuế…
Bị cáo Trang tại tòa chiều 26-4.
Tại tòa, ông Byron Scott Me Laughlin, Tổng Giám đốc Công ty USPC, cho rằng việc truy tố bà Trang tội trốn thuế là không có căn cứ. Vì theo quy định, việc xét duyệt cho Công ty USPC miễn thuế hay nộp thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Hải quan Bình Dương. Bà Trang cũng không được ủy quyền để thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến lĩnh vực thuế. Do đó, trong mọi trường hợp thì bà Trang không phải là người chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ thuế của công ty với Nhà nước.
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo, ông Byron Scott Me Laughlin cũng cho là không có cơ sở. Ông cho biết để thuận tiện trong giao dịch của công ty, ông ủy quyền cho bà Trang ký kết một số giao dịch. Mọi giao dịch do bà Trang ký kết đều nhân danh công ty. Ông Byron là người đã ra lệnh đóng hơn 11 tấn cá ngừ đông lạnh vào container xuất khẩu và ký tên đóng dấu tờ khai hải quan. Đồng thời, không có bất kỳ chứng cứ nào thể hiện bà Trang nhận số tiền từ việc xuất khẩu ủy thác của Công ty Tuna Fish Bình Định.
Trước đó, ngày 28-3, TAND tỉnh Bình Dương đã hoãn phiên xử sơ thẩm với lý do vắng mặt người phiên dịch độc lập, người làm chứng và người liên quan.
Ngày mai (27-4), tòa xét hỏi với bị cáo Trang.