Nữ quân y Điện Biên và mối tình 10 năm, 10 tháng, 7 ngày

Chiến thắng Điện Biên Phủ qua ký ức của người lính - Bài 3

Nữ quân y Điện Biên và mối tình 10 năm, 10 tháng, 7 ngày

(PLO)- Rưng rưng nước mắt, nữ bác sĩ quân y trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói vợ chồng bà nên duyên hơn 10 năm nhưng toàn ở xa nhau và “gặp nhau” qua những lá thư tay…

Dù đã 70 năm qua đi nhưng ký ức về những ngày tháng làm quân y trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 vẫn không phai mờ trong tâm trí nữ bác sĩ quân y, Thầy thuốc ưu tú năm nay đã ở tuổi 93 - Trung tá Ngô Thị Thái Nghiêm.

Với chất giọng khỏe khoắn, khoác lên người bộ quân phục đã ngả màu thời gian, bà Nghiêm say sưa kể chuyện về những nữ chiến sĩ quân y đã cùng góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày ấy.

Nữ quân y Điện Biên và mối tình 10 năm, 10 tháng, 7 ngày
Trung tá, Thầy thuốc ưu tú Ngô Thị Thái Nghiêm kể về những ngày tháng phục vụ tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cô gái Hà thành đến với Điện Biên

Bà Ngô Thị Thái Nghiêm quê gốc ở phố Huế, Hà Nội. Đầu năm 1950, bà Nghiêm chính thức nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi, ba năm sau bà cùng hàng trăm người khác được cử đi học lớp y tá cấp tốc để chuẩn bị lực lượng phục vụ chiến dịch. Học xong, bà Nghiêm được phân công về làm y tá trong Đơn vị điều trị 6 (đóng quân ở Km31 Tuần Giáo, cách Điện Biên khoảng 50 km) để làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho thương bệnh binh.

Bà kể ngày ấy, khi được lệnh đi chiến dịch, trên lưng mỗi người phải mang theo 30 kg, trong đó có 18 kg gạo, 5 kg quần áo, dụng cụ chuyên môn và cả cuốc, xẻng. Để tránh bị máy bay địch phát hiện, đoàn quân cứ ngày nghỉ đêm đi, cứ hành quân hơn 20 km thì nghỉ. Sau gần một tháng, đoàn quân y, bác sĩ cũng đã đến được nơi làm nhiệm vụ.

Khi đến địa điểm tập kết, bà cùng đồng đội chặt cây làm lán để thu dung thương binh từ hỏa tuyến về. Những người bị thương nhẹ thì điều trị tích cực để bổ sung quân số cho chiến trường, trường hợp trọng thương thì xử lý sơ cứu, khi điều trị tạm ổn sẽ chuyển về tuyến sau.

p3-chien-thang-dien-bien-phu-nu-quan-y-(anh-phu).jpg
Các chiến sĩ quân y luôn bám sát trận địa, cứu chữa kịp thời cho bộ đội bị thương trên chiến trường. Ảnh: TTXVN

Đơn vị quân y dã chiến của bà có 105 người, trong đó chỉ hơn chục y tá và cấp dưỡng nữ, còn lại là nam và được chia làm ba bộ phận. “Tôi là y tá phụ trách khu trọng và khu trung, khoảng 300 thương binh ra vào liên tục. Lạ là lúc đó chẳng biết sợ là gì cả, máy bay suốt ngày vèo vèo trên đầu, bom đạn nó tránh mình chứ lúc đó mình cũng không biết đâu mà tránh” - bà Nghiêm kể.

Theo bà Nghiêm, thương binh được chuyển về từ hỏa tuyến toàn vào ban đêm, có ngày lên tới hàng trăm người, có lần còn phát hiện có cả lính của địch. “Trước khi ra trận, chúng tôi được học kỷ luật chiến trường, chính sách thương binh, chính sách đối với tù binh, phải bí mật cách ly đi không cho thương binh mình biết để phòng trường hợp vi phạm chính sách tù binh” - bà Nghiêm chia sẻ.

Bà Nghiêm nhớ lại những ngày ở chiến dịch Điện Biên Phủ ấy, thuốc men, dụng cụ thiếu thốn đủ bề, việc truyền dịch cho bệnh nhân cùng hoàn toàn tự cung tự cấp. Có lần đơn bị thiếu ê-te để rửa vết thương nhiễm trùng nặng, bà cùng đồng đội nảy ra sáng kiến pha dung dịch nước sôi để nguội với thuốc sốt rét để xử lý sạch vết thương rất tốt...

Ngo-thi-thai-nguyen.JPG
Bà Nghiêm (bìa trái) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa ở Điện Biên Phủ năm 2014. Ảnh: Tư liệu

Tình yêu nảy nở trong chiến tranh

Chiến tranh bom đạn ác liệt là vậy nhưng ở nơi chiến trường ấy, những tình yêu đôi lứa vẫn được ươm mầm, nảy nở. Bà Nghiêm kể trong Đơn vị điều trị 6 có y sĩ Nguyễn Văn Nghiễn, quê Hải Dương, để ý và luôn âm thầm dõi theo bà nhưng lại không bày tỏ. “Cho đến một ngày, khi cả đơn vị họp tác chiến xong, anh ấy đã đến và nhẹ nhàng nhét vào tay tôi một tờ giấy nhỏ bày tỏ ý định được tìm hiểu tôi. Tình yêu giữa chúng tôi đã nảy nở từ đó” - bà Nghiêm kể lại.

Thế nhưng mãi đến năm 1957, sau khi ông Nghiễn học xong lớp đào tạo bác sĩ đầu tiên của Bộ Y tế thì họ mới làm đám cưới. Sau ngày cưới ít hôm, ông lại lên đường đi phục vụ chiến trường, rồi chuyển công tác hết đơn vị này đến đơn vị khác suốt nhiều năm ròng. Hơn 10 năm, hai người chỉ gặp nhau vài lần và ăn cùng nhau một cái Tết nhưng đó cũng lại là cái Tết cuối cùng trong cuộc đời ông.

vo-chong-ba-ngo-thi-thai-nghiem.jpg
Ông bà Nguyễn Văn Nghiễn - Ngô Thị Thái Nghiêm trong ngày cưới. Ảnh: TƯ LIỆU

Bà Nghiêm nhớ như in cái Tết năm 1968 khi chồng bà được đơn vị cho về sớm, ở chơi với vợ con mấy ngày. “Trưa mùng 5 Tết anh đi thì 7 giờ tối ngày 16 tôi nhận tin anh hy sinh trong một trận bom Mỹ đánh xuống Hải Phòng” - bà ngậm ngùi rồi nói dù vậy sau đó bà đã cố nén đau thương để nuôi dạy hai con thơ nên người.

Mỗi lần nghĩ về tình vợ chồng 10 năm, 10 tháng, 7 ngày nhưng ở bên nhau vỏn vẹn chưa đầy một năm, bà Nghiêm lại rưng rưng nước mắt. Bà nói hai vợ chồng chẳng có một ngày quây quần hạnh phúc, khi đi khi về chẳng được ở bên nhau, chẳng được một bữa cơm sum họp của gia đình. Tình yêu của ông bà chỉ toàn là những lá thư, trong đó đều bày tỏ mong sớm đến ngày giải phóng để vợ chồng được đoàn tụ.

Sau chiến dịch, bà được cử đến các bệnh viện để tăng cường điều trị cho các thương binh.

Tháng 9-1990 thì bà Nghiêm nghỉ hưu. Dù về hưu nhưng bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thành lập phòng khám từ thiện, khám chữa bệnh miễn phí cho bà con ở vùng sâu vùng xa.

Ngoài ra, bà còn tham gia ban chấp hành hội cựu chiến binh của phường, ban liên lạc các chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP.HCM...

Cảm phục tinh thần không ngại khó, ngại khổ

Dù thuộc thế hệ sau nhưng Đại tá, nhà văn Đoàn Hoài Trung, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, lại có duyên nợ với Điện Biên Phủ khi cha của ông là chiến sĩ Điện Biên Phủ, còn ông từng có nhiều tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ông bảo mình rất cảm phục tinh thần và nghị lực can trường của bác sĩ, Trung tá quân y Ngô Thị Thái Nghiêm cũng như các chiến sĩ Điện Biên ngày ấy - những người yêu nước, không ngại khó khăn, gian khổ và luôn sẵn sàng hy sinh tất cả cho độc lập, tự do của dân tộc.

“Thế hệ chúng tôi và các chiến sĩ trẻ hôm nay luôn lấy đó làm tự hào, là động lực khích lệ bản thân mình phải phấn đấu, tiếp tục làm nên những Điện Biên Phủ kỳ diệu như thế trong lao động sản xuất, để đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng và phồn vinh hơn” - Đại tá Trung nói.

Đọc thêm