Ngày 12-4, trao đổi nhanh với PLO qua điện thoại, bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, cho biết, bà vừa ký thông báo kết luận cuộc họp Hội dồng khoa học về tấm ảnh “Anh che đạn cho em” của ông Ronald Haeberle, tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai gây rúng động toàn cầu.
Thông báo của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.
Theo đó, Hội đồng khoa học đã tổ chức họp liên quan đến việc chỉnh sửa nội dung chú thích trưng bày về vụ thảm sát Mỹ Lai. Yêu cầu Phòng Trưng bày- Tuyên truyền- Đối ngoại điều chỉnh nội dung chú thích tấm ảnh nói trên thành “Anh che đạn cho em. Anh: Trần Văn Đức, 7 tuổi. Em: Trần Thị Hà 14 tháng tuổi. Hai anh em hiện vẫn còn sống”.
Đồng thời điều chỉnh danh sách nạn nhân trong vụ thảm sát Sơn Mỹ: Bà Nguyễn Thị Bộ (Tẩu) thành hai tên riêng biệt là bà Nguyễn Thị Bộ và bà Nguyễn Thị Tẩu (mẹ anh Đức).
Ngoài ra, Hội đồng khoa học còn yêu cầu Phòng Nghiên cứu- sưu tầm tải toàn bộ tư liệu và phim do ông Trần Văn Đức cung cấp thành file tư liệu riêng, nghiên cứu tư liệu để tiếp tục sưu tầm bổ sung. Yêu cầu các phòng nghiệp vụ lập kế hoạch chỉnh lý nội dung trưng bày về các vụ thảm sát để kịp tiến độ thực hiện trong năm 2020.
Như vậy sau hơn nửa thế kỷ, tấm ảnh đầy xúc động với nhiều tranh cãi nay đã chính thức tìm được sự thật trong niềm vỡ òa của anh em ông Trần Văn Đức và đặc biệt là tác giả Ronald Haeberle.
Tấm ảnh gốc Anh che đạn cho em.
Câu chuyện này liên quan đến việc khiếu nại kéo dài nhiều năm liền của anh Đức (Việt kiều định cư tại Đức). Anh cho rằng mình và em gái mới chính là hai đứa trẻ trong bức ảnh đang được trưng bày tại Bảo tàng Sơn Mỹ và một số bảo tàng chứng tích chiến tranh khác chứ không phải như chú thích lâu nay.
Ngày 16-3-2018, anh Đức, ông Ronald Haeberle và chiếc máy ảnh hiệu Nikon -chiếc máy ảnh đã chụp những hình ảnh tang thương ở Mỹ Lai giờ là kỷ vật của Ron tặng cho Đức - cùng có mặt ở Quảng Ngãi. Năm nào cũng vậy, buổi tưởng niệm tại Khu chứng tích Sơn Mỹ luôn đầy nước mắt. Và lần này, những người trong cuộc lại tiếp tục đưa ra bằng chứng để lịch sử, sự thật không còn bị bóp méo, trả lại đúng tên cho tấm ảnh đã trở thành biểu tượng, lên án sự tàn bạo của chiến tranh.
Anh Đức cho biết trước năm 2009, tấm ảnh đó được trưng bày trong Khu chứng tích Sơn Mỹ với chú thích: “Anh Trương Bốn đang che đạn cho em gái Trương Năm nhưng cả hai đều bị lính Mỹ bắn chết”. Sau khi anh khiếu nại, đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục thì khu chứng tích tháo dòng chú thích xuống và chỉ ghi vỏn vẹn những dòng chữ: “Người anh đang che đạn cho em nhưng cả hai đều bị lính Mỹ bắn chết”. Còn anh và em gái của mình, hai nhân vật, chứng nhân sống lại rơi vào quên lãng.
Kỷ niệm 50 năm ngày thảm sát Sơn Mỹ, lần này trở lại, Ron và Đức còn thực nghiệm lại hiện trường đúng ngay vị trí mà Đức ôm em gái che đạn và Ron đã chụp ảnh. Ngoài ra còn có khoảng 50 nhân chứng xác nhận người trong ảnh chính là anh em Đức, Hà. Thế nhưng tiếc thay, những bằng chứng đầy thuyết phục này vẫn chưa thay đổi được lời chú thích dưới tấm ảnh trong khu chứng tích. “Tôi được gì khi cả chục năm đưa ra nhiều bằng chứng, cơ sở rằng anh em tôi chính là hai nhân vật trong ảnh của Ron. Ngoài sự thật tôi không cần gì cả” - anh Đức nói.
Anh Đức cùng em ruột Trần Thị Hà thực nghiệm lại tại Sơn Mỹ.
Ron, tác giả bức ảnh, chiếc máy ảnh lịch sử và nhân vật Trần Văn Đức.
Theo anh Đức, vào sáng 16-3-1968, mẹ dặn anh ôm em gái là Hà về nhà ngoại. Trên đường đi, anh Đức nhìn thấy từ hướng đồn Voi có một chiếc máy bay trực thăng vẽ hình con cá mập bay về hướng mình định đi qua và bay rất thấp. Sợ bị bắn chết vì thấy một lính Mỹ ngồi trên chiếc máy bay đó nên cậu bé bảy tuổi khi ấy đã ôm em nằm xuống tránh đạn. Và Ron đã chụp anh em Đức, Hà trong đúng khoảnh khắc ấy.
Được biết sau vụ thảm sát Mỹ Lai, anh Đức ra nước ngoài sinh sống. Rồi phải mất rất nhiều năm, qua các kênh truyền hình quốc tế, anh mới tìm được địa chỉ của Ronald Haeberle ở Mỹ và mời ông trở lại Sơn Mỹ vào tháng 10-2011.
Gặp lại anh Đức, nỗi ám ảnh chiến tranh của Ronald giải tỏa đi nhiều và ông quyết cùng cậu bé sống sót ngày nào trở lại Sơn Mỹ.
Năm 2011, Đức và Ron gặp nhau, khi nghe anh Đức mô tả lại những chi tiết của khoảnh khắc hai anh em nằm xuống tránh đạn, Ron đã khẳng định chính anh Đức là nhân vật trong bức ảnh của ông bởi ông đã chụp được tấm ảnh chiếc trực thăng duy nhất có vẽ hình cá mập trong hơn 10 chiếc trực thăng tham gia vụ thảm sát. Cũng trong năm 2011, Ron đã trở lại thăm Mỹ Lai cùng Đức để kể lại những sự thật đã hành hạ cuộc sống của ông mấy chục năm qua.
Theo tác giả Ronal Haeberle, cần phải có sự cải chính theo hướng xác nhận hai đứa trẻ trong ảnh là Trần Văn Đức và Trần Thị Hà chứ không phải là Trương Năm, Trương Bốn, hoặc cách chú thích chung chung: Anh che đạn cho em như Bảo tàng đã chú thích, bởi lẽ ông là người chứng kiến và chụp toàn bộ các bức ảnh trong buổi sáng hàng chục năm về trước, và câu chuyện Đức kể hoàn toàn trùng hợp với trí nhớ của ông.
"Ai có thể nói ra sự thật ngay bây giờ, khi mà có đến 504 người liên quan đã bị giết. Tôi tin Đức vì Đức đã tả lại rất chính xác hình ảnh chiếc máy bay và hình dáng của tôi, công việc tôi làm trong thời khắc tôi chụp bức ảnh ấy. Tất cả những điều Đức kể thực sự có ý nghĩa với cuộc đời tôi và tôi tin đó là sự thật", cựu binh Mỹ Ronald Haeberle, tác giả những bức ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ cho biết.
Còn anh Trần Văn Đức cho rằng, sự chính xác trong ghi chú bức ảnh là điều thiêng liêng với anh bởi trong vụ thảm sát Sơn Mỹ, trong 504 thường dân vô tội bị giết, có mẹ và 1 chị gái, 1 em gái ruột của anh. Thậm chí, bức hình về mẹ anh là bà Chín Tẩu cũng đã từng bị chú thích sai bởi tên một phụ nữ khác. Hơn nửa thế kỷ trĩu nặng một nỗi tang thương lớn như vậy cho nên, việc đi tìm sự thật ai là người trong ảnh là điều có ý nghĩa với cuộc đời anh.
Từ Remscheid, CHLB Đức, anh Trần Văn Đức cho biết anh mừng đến rơi nước mắt, cảm ơn Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh; cảm ơn rất nhiều nhà báo, luật sư và những người quan tâm trong và ngoài nước đã đồng hành cùng anh trả lại sự thật cho tấm ảnh lịch sử.