Một đôi vợ chồng trẻ Nhật Bản tự an ủi nhau vượt qua khó khăn sau thảm họa động đất, sóng thần - Ảnh: Reuters
Tôi nghĩ chuyện này cũng không đáng ngạc nhiên khi các vụ nổ liên tiếp xảy ra và còn rất nhiều dư chấn. Khi viết những dòng này, cái máy nghe nhạc của tôi bắt đầu rung lên sòng sọc, đèn tường quay quay. Lại một cơn dư chấn nữa! Chuyến du ngoạn bị hủyVài tháng trước, cha mẹ đã lên kế hoạch cho con trai tôi và tôi, cùng gia đình người anh trai đang sống ở New York, sẽ tới thăm nhà một người bạn ở Philippines. Thật tuyệt vời nếu được nghỉ ngơi trên một hòn đảo thanh bình, nhất là trong hoàn cảnh đầy lo lắng do động đất, sóng thần và nguy cơ nhiễm xạ hiện nay. Nhưng ý tưởng về sự sung sướng đó đã đi khỏi đầu óc của cha mẹ tôi lúc này. “Mẹ chẳng biết gì về Philippines cả” - đêm sau động đất bà nói vậy. Sao cơ? Tôi đã dành gần nửa cuộc đời sống ở nước ngoài, khó mà thấy ngay được mối liên quan giữa chuyến đi nghỉ ở Philippines và những thảm họa ở phía bắc Nhật Bản này. Vài ngày sau đó mẹ tôi thường xuyên sử dụng từ fukinshin, nghĩa là “không ý tứ”. Không phù hợp nếu tôi mặc quần áo quá điệu đà, giống chiếc kimono tôi đã định mặc vào lễ bế giảng lớp học của con trai tôi. Chúng tôi không nên thể hiện niềm vui sướng khi người khác đang chịu quá nhiều đau khổ. Trường con tôi chắc đồng ý với bà vì toàn bộ lễ bế giảng đó đã bị hoãn!Mẹ cũng cho là tôi nên ở nhà để có thể cùng mẹ chống đỡ khi động đất xảy ra. Ý nghĩ đó khiến tôi nhớ lại những hình ảnh trên truyền hình: một nhân viên nữ trong cửa hàng đang cố gắng ghì chặt cái kệ hàng khi động đất diễn ra, thậm chí khi cả tòa nhà đang rung chuyển và hàng hóa rơi lả tả. Tôi nghĩ nếu mình không có mặt để lau dọn đống nước bị rò rỉ, hay thu dọn đồ đạc bị xáo trộn của người khác, chắc hẳn là việc làm không phải đạo. Cha tôi cũng không tỏ ra hào hứng với việc đi du lịch. “Tình huống rất nghiêm trọng” - ông nói. Ý ông không phải lo sẽ bị nhiễm xạ. Mà ông, vốn là một giám đốc điều hành rất được các cộng đồng doanh nghiệp kính trọng, cảm thấy mình nên luôn sẵn sàng có mặt, phòng khi những vấn đề liên quan tới doanh nghiệp và nhà máy điện cần sự tư vấn của ông.Những người nước ngoài có thể nghĩ cách hành xử của cha mẹ tôi giống như tinh thần võ sĩ đạo. Nhưng tôi nghĩ đó là sự tôn trọng cực đoan của ông bà với những người sẽ giúp đất nước tôi vượt qua cơn dông bão này. Ngay từ đầu tôi đã tin là chúng tôi sẽ không có chuyện cướp bóc. Việc gần đây nhất tôi chứng kiến về thái độ khiếm nhã nơi công cộng là một người đàn ông chen hàng ngang để lên tàu. Mọi người xung quanh quá lịch sự nên không ai phản đối.Cuối cùng anh trai tôi - người đã trở thành dân Mỹ sau nhiều năm sống ở Mỹ - đã quyết định hủy chuyến đi. Dấu chân con Tôi vừa ngồi xuống máy tính, vài giờ sau động đất, điện thoại của tôi báo động ầm ĩ. Đó là tín hiệu từ Cơ quan Thời tiết quốc gia cảnh báo trận dư chấn sắp tấn công khu vực Kanto, tức bao trùm cả Tokyo. May mắn tôi đang ở nhà cùng con trai 12 tuổi. Việc của tôi là chỉ chờ Mẹ thiên nhiên nổi cơn giận dữ. Dư chấn không quá mạnh nhưng khiến thành phố rung rinh cả đêm.Trận động đất vừa qua là lời nhắc nhở rõ ràng nhất siêu động đất chắc chắn có. Ai cũng biết phải làm gì khi động đất: nấp xuống gầm bàn, chạy ra bãi đất trống, tắt bếp gas. Luôn tích trữ lương thực, nước, đèn pin và mũ bảo hộ ở nhà. Trường của con tôi mới tập luyện lại phòng chống động đất một ngày trước khi thảm họa xảy ra.Nhưng không ngạc nhiên nếu chúng tôi trở nên chủ quan. Nhiều năm trôi qua không có động đất tàn phá lớn. Tôi chắc mình có một túi đựng đồ phòng khi khẩn cấp nhưng hỏi ở đâu thì không thể nhớ ra. Trận động đất gây thương vong lớn nhất gần đây là ở Kobe, khiến 6.000 người thiệt mạng năm 1995. Tokyo chưa hứng chịu với vai trò là một điểm tâm chấn nguy hiểm nào từ năm 1923. Như hầu hết mọi người Nhật, tôi thật sự không thấy lo lắng về việc động đất. Người điều khiển thông báo sẽ phanh gấp và chỉ vài giây sau tàu dừng lại. Ban đầu tôi nghĩ có ai đó đã nhảy tàu tự tử - chuyện xảy ra thường xuyên ở đất nước có tỉ lệ tự tử cao. Nhưng tôi có cảm giác con tàu đang nghiêng ngả. “Cứ như chúng ta bị cho vào cái rổ và xóc xóc vậy” - cụ bà ngồi bên cạnh nói với tôi. Tất cả hành khách đều yên lặng và bình tĩnh. Vài phút sau tàu vào nhà ga. Hệ thống xe lửa dừng hoạt động tại đó. Tôi đi bộ 90 phút để về nhà.Bên ngoài, mọi người đang đứng hết ở đường, bãi đất trống, vì sợ nếu vào trong mọi thứ sẽ rơi, đổ, sập. Gần như ai cũng cầm điện thoại di động dù mạng bị nghẽn. Tôi đi vội vã vì muốn gặp con trai mình. Tôi không quá lo lắng vì con đang ở trường, nơi có một bãi đất trống rất rộng và các tòa nhà được xây theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Nhưng tôi vẫn nhìn xuống các dấu chân của con mình, chắc nó đã bước ở những vị trí đó vào buổi sáng nay khi đi học. Tôi quyết định không quét chỗ bẩn. “Đó là những dấu chân kỷ niệm!” - tôi nghĩ. Vài phút khi bước đi tôi lại có cảm giác sợ hãi. Tôi dừng lại và nhìn lên đèn đường đang chao đảo. Những người đi bộ dừng cả lại nhưng xe vẫn tiếp tục chạy. Rõ ràng dư chấn không quá lớn nên những người lái xe không để ý. Hết dư chấn, tôi bước lại gần một cửa hàng để xem thiệt hại. Chỉ vài chai rượu rơi xuống sàn. Tôi thấy một người đang đứng trên mái nhà để chỉnh cây ăngten, thiệt lạ! Tôi biết mọi việc trở nên xấu khi ghé mắt nhìn màn hình tivi qua cửa sổ một văn phòng. Toàn bộ bản đồ nước Nhật đều có những quầng sáng biểu hiện cảnh báo sóng thần đang tấn công. Tôi bước đi và nghĩ miên man: liệu các nhà máy điện hạt nhân ở khu vực đó có chịu nổi? Chắc chắn sẽ không có cướp bóc gì. Tôi chưa bao giờ thấy sự tức giận ở quy mô lớn có thể bùng nổ sự hỗn loạn. Vậy còn con cá vàng của tôi? Liệu nó có bị ném ra ngoài bể hay không? Hư hại ở nhà tôi nhỏ thôi. Con cá không sao.Tôi nghĩ về con trai tôi, về việc bọn nhỏ đã trải qua cảm giác động đất lớn đầu tiên của đời mình như thế nào. Lúc cô giáo đưa ra, con trai tôi có vẻ không vui: “Mẹ đến làm gì? Con muốn ở qua đêm tại trường với các bạn”. Lũ trẻ đang cuộn mình trong những chiếc chăn mới, xem DVD và ăn những chiếc bánh quy dùng cho trường hợp khẩn cấp.Tối đó chúng tôi cùng nhau xem tivi. Tôi thấy sóng thần quét hết thành phố này tới thành phố khác, những mái nhà sụp đổ, những cột sáng bắn lên bầu trời. Con trai tôi nói: “Con cho rằng ở nhà là tốt nhất”.
Theo KUMIKO MAKIHARA (nhà văn, dịch giả tại Tokyo) - H.N (TTO). dịch
____________________ Thế giới không thể không thốt lên lời cảm phục trước sự điềm tĩnh, yên lặng của người Nhật khi quốc gia này đang đối mặt với muôn vàn khó khăn sau thảm họa thiên tai nặng nề nhất trong 100 năm nay. Mọi người đang nói với nhau về tinh thần Nhật Bản.
Kỳ tới: Tĩnh lặng trong đổ nát
Kỳ tới: Tĩnh lặng trong đổ nát