Nuôi 500 con bò phải kiểm kê khí thải nhà kính?

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VN) - VCCI và Bộ TN&MT vừa tổ chức hội thảo trực tuyến lấy ý kiến của gần 150 doanh nghiệp (DN) đóng góp cho dự thảo Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Đặc biệt, dự thảo có quy định cơ sở chăn nuôi có số lượng từ 500 con bò hoặc 3.000 con heo trở lên phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính.

 

Có thể giảm 27% lượng phát thải vào năm 2030?

Theo ông Tăng Thế Cường, từ nay đến năm 2030, VN cam kết phấn đấu giảm ít nhất 9% tổng lượng phát thải cơ sở kịch bản phát triển thông thường và nếu được sự hỗ trợ của quốc tế thì chúng ta có thể giảm 27% lượng phát thải.

Việt Nam sẽ có sàn giao dịch carbon

Theo dự thảo nghị định, các DN trong năm lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính gồm: Năng lượng (cả năng lượng trong GTVT), nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải và các quá trình công nghiệp.

Về tiêu chí cụ thể, dự thảo quy định các cơ sở phát sinh 3.000 tấn CO2/năm trở lên phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính. Đó là các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở kinh doanh vận tải, tòa nhà thương mại có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu trở lên. Các cơ sở chăn nuôi có 500 con bò hoặc 3.000 con heo xuất chuồng hằng năm, cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

Một trang trại nuôi bò tại tỉnh Hòa Bình. Ảnh: TTXVN

Dự thảo cũng đưa ra danh mục các chất làm suy giảm tầng ozone và lộ trình quản lý, loại trừ để các tổ chức, DN phải đăng ký, báo cáo để kiểm soát, trong đó có việc sử dụng điều hòa (làm phát sinh các chất gây hại cho tầng ozone)…

Về lộ trình thực hiện, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết từ nay đến năm 2025, VN phải thực hiện việc kiểm kê khí thải nhà kính. Giai đoạn này, cơ quan nhà nước phải ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các điều kiện liên quan để thực hiện.

Các tổ chức, DN thuộc đối tượng liên quan bắt buộc thực hiện kiểm kê, kèm với đó là kế hoạch giảm phát thải (là những khí có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài, còn gọi là hồng ngoại - PV), tiến tới đăng ký hạn ngạch phát thải. Tổng hạn ngạch phát thải sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trên cơ sở đó Bộ TN&MT sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải cho các đơn vị, DN.

Từ đây, các đơn vị, DN sẽ tích lũy được hạn ngạch khí thải nhà kính để tham gia vào thị trường carbon (các đơn vị sử dụng không hết hạn ngạch phát thải có thể trao đổi, giao dịch với các đơn vị khác). Dự kiến từ năm 2027, 2028, VN sẽ vận hành thí điểm thị trường, sàn giao dịch carbon ở trong nước, sau khi chuẩn bị các điều kiện về pháp lý, hạ tầng, sàn giao dịch, quy chế, định chế hoạt động.

Ông Cường nói: “Hiện nay, nhiều nước tham gia thuế carbon hoặc trao đổi chứng chỉ hạn ngạch carbon. Chúng ta không chọn thuế carbon để tránh trường hợp thuế chồng thuế, vì hiện nay thuế môi trường đánh vào sử dụng than đá, xăng dầu… Chúng ta tập trung vào thị trường trao đổi hạn ngạch, chứng chỉ carbon”.

Tương tự, đối với việc bảo vệ tầng ozone, theo ông Cường, VN cũng đã có quy định loại bỏ, hạn chế các chất gây hại đến tầng ozone, đến năm 2023 sẽ giảm 35% các chất HCFC (hydrochlorofluorocarbon). Để đánh giá, kiểm kê, từ đó phân bổ hạn ngạch phát thải thì phải có đơn vị kiểm kê, dự thảo quy định đơn vị này là tổ chức có năng lực được công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu công nhận, hoặc được cấp chứng nhận tiêu chuẩn TCVN ISO 14065…

Nhiều doanh nghiệp bỡ ngỡ

Tại hội thảo, đại diện nhiều DN tỏ ra khá bỡ ngỡ trước các quy định trong dự thảo nghị định dự kiến sẽ tác động lớn đối với hoạt động của họ. Nhiều DN thắc mắc về tiêu chí phải kê khai, cách đo đạc, tính toán phát thải khí nhà kính.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa VN, cho rằng việc dự thảo đưa tiêu chí cơ sở chăn nuôi từ 500 con bò hoặc 3.000 con heo là không có cơ sở. “Nếu tôi nuôi trâu hoặc gà thì thế nào? Nếu tôi nuôi 499 con bò thì có phải kiểm kê không? Hoặc nếu tôi nuôi 1.000 con bò mà làm nông nghiệp xanh thì có phải kiểm kê không?” - ông Trung thắc mắc.

Ông Trung đề nghị cơ quan soạn thảo nghị định cân nhắc kỹ để quy định không tác động quá lớn đến ngành chăn nuôi, nếu không các ngành gia công, chế biến chỉ còn nước nhập nguyên liệu về. “Tôi thấy dự thảo chỉ mang tính kiểm kê rà soát, giống như thêm một loại thủ tục hành chính, trong khi Nhà nước đang thực hiện cải cách hành chính” - ông Trung nói.

Ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép VN, thì cho hay: Nếu đưa ra tiêu chí phát thải 3.000 tấn CO2 tương đương/năm là phải kê khai thì 100% DN ngành thép phải kê khai. Mặc dù kinh phí để thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính lấy từ ngân sách nhưng nếu không khảo sát cụ thể đối tượng phải kiểm kê thì sẽ không đủ kinh phí để kiểm kê và không khả thi.

Cạnh đó, ông Thái cũng cho rằng việc kiểm kê khí phát thải nhà kính phải được thực hiện minh bạch, công bằng, vì mọi tổ chức, DN đều phải đóng góp vào việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Đồng tình, đại diện một số DN khác cũng cho rằng một trong những nguyên nhân gây phát thải khí nhà kính hiện nay là do sử dụng những công nghệ cũ, lạc hậu. Theo đó, họ đề nghị cần có chính sách để hỗ trợ, khuyến khích các đối tượng gây phát thải khí nhà kính về việc thay đổi công nghệ sản xuất, có lộ trình thực hiện.•

Tạo cơ hội cho DN phát triển?

Tại hội thảo, một số chuyên gia thì cho rằng việc quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone là yêu cầu bắt buộc nếu VN không muốn bị loại ra ngoài cuộc chơi của thế giới. Nếu thay đổi góc nhìn thì đây không phải là cản trở, mà là cơ hội để cho các DN phát triển, gia tăng tính cạnh tranh.

Ông Nguyễn Hoài Nam (chuyên gia năng lượng và biến đổi khí hậu, Công ty RCEE-NIRAS) nói: “Chúng ta tưởng là cản trở, nguy cơ nhưng đây lại là cơ hội. Nhiều DN của nước ngoài cải cách công nghệ đã có doanh thu từ việc tham gia thị trường giao dịch các tín chỉ phát thải”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Hiếu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, cũng cho rằng cần tạo điều kiện để các DN tham gia cam kết giảm nhẹ phát thải, biến đây thành cơ hội để phát triển. “VN đã tham gia công ước quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Nếu từ bây giờ chúng ta không kiểm kê số liệu thì không bao giờ thực hiện được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone” - ông Hiếu nhấn mạnh.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm