Nuôi chó, mèo: Cha mẹ bất cẩn, con lãnh đủ!

Thời gian gần đây, liên tiếp các trường hợp vật nuôi trong nhà như chó, mèo tấn công trẻ em. Trường hợp khá đau lòng được BV đa khoa Đức Giang (Hà Nội) tiếp nhận gần đây đáng chú ý nhất là cháu BN (năm tuổi). Trong lúc cưỡi trên lưng chó, không may bé N. bị chó quay ngược lại cắn rách vành tai phải nhập viện.

Bị chó cắn thủng khí quản, đứt mũi

Tiếp đó là nhiều trường hợp khác nặng nề hơn như trường hợp bé LNTL (một tuổi, quê Đắk Lắk) khi chơi một mình trên nhà bé đã dùng cọc tre đánh chó nhà. Bất ngờ con chó có trọng lượng gấp ba lần bé L. lao vào cắn xé khiến bé mất một mảng thịt ở mũi. Thêm vào đó là trường hợp của bé trai tên NTĐ (năm tuổi, ở Long Thành, Đồng Nai) bị hai con chó berger cắn đến thủng khí quản, tình trạng rất nguy kịch. Cả hai bé này đều được cấp cứu tại BV Nhi đồng 1 (TP.HCM).

Tai nạn xảy ra với cả ba trường hợp đều có điểm giống nhau là việc sơ cứu, chăm sóc ban đầu trước khi đưa trẻ đi bệnh viện của các gia đình không đủ an toàn, đúng khuyến cáo y học. Cụ thể như trường hợp bé LNTL có thể phải dùng sụn tai để tái tạo mũi mới vì phần mũi bị chó cắn đứt gia đình đã không bảo quản đúng cách khiến các bác sĩ không thể ghép lại.

Bình thường chó rất hiền lành, quấn quanh chủ nhưng nếu bị đau, bị kích động, chó sẽ cắn vì lầm tưởng bị tấn công. Ảnh minh họa

Nên xử trí sao khi bị cắn?

Để hạn chế những rủi ro không may xảy ra do tai nạn từ thú cưng, vật nuôi trong gia đình, BS Nguyễn Minh Tiến, BV Nhi đồng 1, TP.HCM, tư vấn: Khi bị chó mèo cắn, thông thường nạn nhân có nguy cơ bị bệnh dại do nhiễm virus dại từ chó, mèo khá cao. Trong trường hợp không được xử trí đúng và kịp thời, nếu virus dại tấn công có thể lên cơn dại và tử vong. Do đó việc xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn cũng như đi tiêm phòng vaccine dại kịp thời sẽ giúp phòng bệnh hiệu quả.

Cụ thể, khi phát hiện có người bị chó, mèo cắn không nên vội vàng đánh chết chó, mèo do tức giận mà cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến chỗ thuận lợi rửa vết thương bằng nước lạnh và xà phòng hay các chất sát khuẩn để diệt virus dại. Tuyệt đối không nên nặn máu ra vì có thể làm vết thương nặng hơn, dễ nhiễm trùng… Đồng thời nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Sau đó thực hiện tốt việc tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại.

Trong trường hợp bị cắn mất da, thịt, người nhà nên bảo quản phần da thật tốt bằng cách lấy phần da đó cho vào túi nylon sạch và tiến hành ướp lạnh cho đến khi vào cơ sở y tế.

Nếu bị cắn ở những vị trí nguy hiểm, ảnh hưởng đến thần kinh trung ương như vùng đầu, mặt, cổ… thì dù vết cắn nhẹ, nạn nhân cũng cần đi tiêm vaccine phòng dại.

Bên cạnh đó nên theo dõi con vật đã cắn trong 10-15 ngày xem nó có bình thường không. Nếu con vật cắn vẫn bình thường hoặc đã được tiêm phòng dại, nạn nhân không cần đi tiêm. Trong trường hợp con vật đó chết, mất tích, bị làm thịt… thì phải đi tiêm vaccine ngay.

BS Tiến lưu ý thêm nếu người bị chó, mèo cắn lên cơn dại thì đều dẫn đến tử vong, biện pháp phòng tránh duy nhất là tiêm vaccine và huyết thanh. Do đó, tuyệt đối không áp dụng những bài thuốc Nam, Đông y hay những bài thuốc chữa mẹo, dân gian… vì có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân.

Biện pháp nói thì nhiều nhưng biện pháp để đảm bảo an toàn cho trẻ tốt nhất vẫn là nhà có trẻ em thì không nên nuôi chó, hạn chế hết mức có thể. Trường hợp cần phải nuôi chó thì nên tiêm ngừa, xích hoặc rọ mõm chó lại để tránh trường hợp đau lòng xảy ra. Bình thường vật nuôi như chó rất hiền lành, quấn quanh chủ, tuy nhiên trẻ em rất hiếu động nên thường nắm đuôi, dùng vật nhọn để chơi đùa với chúng. Nếu bị đau, bị kích động, chó sẽ cắn vì lầm tưởng bị tấn công. Nếu để trẻ chơi gần vật nuôi, gia đình nên lưu tâm liên tục và phải hết sức cẩn trọng.

BS HOÀNG THỊ PHƯƠNG LANTrưởng khoa Tạo hình-Thẩm mỹ, BV đa khoa Đức Giang (Hà Nội) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm