Ký sự từ biên cương - Bài 3

Ở nơi ‘ông sét’ rình rập giáng búa

Kẻng làng

5 giờ 15 phút sáng, tiếng kẻng dóng lên từ sân Đồn biên phòng Ga Ry. Lúc này anh nuôi ở Đồn đã thức giấc nấu cơm cho anh em ăn sáng lúc 6 giờ 15. Khi tiếng kẻng vang đến tai mọi người là nó đã bị giảm âm vì ai cũng đang co mình tự quấn chặt trong chiếc chăn bông to sụ. Nhiệt độ dưới xuôi chừng 25 độ C thì ở vùng đất có độ cao gần 1.000 mét so với mực nước biển này tụt xuống chưa tới một nửa.

Cho đến sau tết, ở Ga Ry vẫn còn là mùa đông lạnh giá. Bên kia dãy Trường Sơn trời nắng ấm thì bên này vẫn mưa đổ khiến cung đường đất trở nên nhão nhoét. Khí hậu khắc nghiệt kiểu “bên nắng đốt, bên mưa quay” ở hai bên dãy Trường Sơn đã khiến cho bầu không gian nơi đây như một hang núi ẩm ướt, không khí bùng nhùng không tìm ra đường thoát. Giữa cơn giá lạnh, mọi người chỉ còn cách tìm đến với lửa để tìm kiếm chút hơi ấm.

Đã 9 giờ sáng, vườn rau Đồn biên phòng Ga Ry vẫn mù mịt sương giăng. Ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG

Đồn biên phòng Ga Ry nằm trên một mỏm đồi cao, vị trí này bao quát được toàn bộ các bản làng xung quanh. Hầu hết các đồn biên phòng đều có vị trí yết hầu như vậy. Tiếng kẻng ở đồn vang xa khắp bản. Ông Pơ Long Điền – một người dân, cho biết người trong làng đã quen với kẻng. Khi có kẻng họ thức dậy nấu cơm, đóng gói, chuẩn bị chai nước, bầu rượu lên nương rẫy. Khi kẻng chiều tối mọi người cũng nghỉ ngơi sau một ngày lao động.

Ở đồn, sau giờ tập thể dục buổi sáng mọi người theo thói quen đi về phía gian nhà gỗ có ánh sang xanh mờ mờ. Bên bếp lửa bập bùng, anh nuôi xúc cơm ra chậu để anh em cùng ăn sáng. Nhưng tâm điểm chú ý của mọi người thường là nồi nấu rượu, nồi rượu này mỗi ngày cho ra một can khoảng 10 lít rượu gạo. Toàn bộ hèm được trộn vào bữa ăn cho bầy lợn đang réo để chống chọi với cái lạnh. Rượu được đóng can và trở thành quà, đặc sản Ga Ri mỗi khi có đoàn quan khách đến thăm. Xứ lạnh đã cho ra thứ rượu gạo có hương thơm khó tả, hiếm nơi có được.

Sau bữa cơm sáng, các đội công tác tỏa xuống bám và ở lại ăn cơm dưới chốt. Có lần thiếu tá Lê Văn Thắng, một trinh sát bám bản tâm sự: “Ở với dân thấy họ khổ, anh em toàn mua sách vở mang cho các cháu, có thức ăn ngon thì gởi cho người già”.

Ngày chỉ 7 tiếng

Những người trẻ ở Quảng Nam, Đà Nẵng không cần phải đi quá xa tới tận Sa Pa hay Đà Lạt để tìm cảm giác lạnh, ngắm cảnh sương mờ, băng giá… Từ Tam Kỳ (Quảng Nam), cứ xuôi gần 200 km đến xã tận cùng nằm ở ngang lưng dãy Trường Sơn hùng vĩ là sẽ tìm thấy cảm giác này. Nơi ấy là xã Ga Ry huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam.

Đồn biên phòng Ga Ry, Quảng Nam. Ảnh: TTXVN

Con đường lên tận xã vùng cao này từng vô cùng nhọc nhằn vào mùa mưa. Cách đây hai năm, mưa trắng trời kéo dài suốt hai tháng, Ga Ry trở thành ốc đảo. Khi ấy gạo, mì tôm đều cạn, tỉnh Quảng Nam phải tổ chức đoàn cứu trợ. Xe chỉ chuyển hàng tới xã A Xan, người dân phải đi bộ khoảng 30 km xuống đó vác hàng. Đoàn người đi trong mưa gió tầm tã. Bộ đội đi đầu, người dân theo sau, cứ đẩy lưng nhau mà bước. Khi nghe sấm chớp ầm ầm thì dừng lại.

Ga Ri có câu chuyện khá rùng rợn về “ông sét”, khi trời nổi giông là sét giáng thẳng xuống mái nhà. Nông dân giữa đồng bị sét giáng trước mặt, sau lưng, cây pơ mu cổ thụ bị sét đánh chẻ đôi từ ngọn xuống gốc, nghi ngút khói cả tuần. Nhưng vào giờ phút đó, cái lạnh tê tái, sự gian khó đã khiến mọi người cắn chặt môi cúi đầu bước, mặc kệ ông sét rình rập từ trên cao.

Do điều kiện địa lý xa xôi như vậy nên Đồn biên phòng Ga Ry luôn phải có phương án tự cấp, tự túc để tạo thêm nguồn thực phẩm cho đơn vị, đề phòng tình huống đường bị kẹt, thực phẩm không lên đồn được. Bài toán lương thực thực phẩm tập trung vào hai mục đó là tích trữ gạo và cho bộ đội chăn nuôi lợn, trồng rau xanh. Trung tá Hoàng Thanh Hà, đồn trưởng cho biết trong chuồng luôn đảm bảo có khoảng 70 con lợn. Hiện đường lên Ga Ri vẫn còn khoảng 10 km đường đất, mùa mưa đi lại rất khó khăn nên thực phẩm phải lo tại chỗ.

Lúc 10 giờ trưa, có vài cán bộ vác cuốc ra góc sân trồng rau. Cuốc đất giữa trưa là chuyện chỉ có ở Ga Ri. Anh em kể cứ hết việc là cuốc đất vì cuốc đất mới hết cảm giác lạnh. Mùa đông ở Ga Ry mỗi ngày có khoảng 7 tiếng đồng hồ. Buổi sáng 8 – 9 giờ mới thấy mặt trời, 14 giờ mây đã sà xuống sân đồn, cỡ 17 giờ trời đã sập tối.

Huyền ảo trong mây

Khi mây ào xuống sân đồn, không gian trở nên huyền ảo, người dường như đang đi trong mây. Mây đến rồi vụt đi, cả sân đồn lại bừng sáng. Mây lượn sang đồn đã báo hiệu sắp có một trận mưa rừng và cung đường xuống thôn lại bùn đất nhão nhoét. Thứ đất sét ở lưng dãy Trường Sơn này thật kỳ lạ, trời mưa to thì vẫn đi ổn, còn mưa bay bay thì mặt đường láng như đổ mỡ. Muốn xuống bản phải đi ủng, xe máy muốn đi được phải quấn xích vào lốp.

Quấn xích vào bánh xe để đi bản khỏi bị xoáy bánh trượt ngã. Ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG

Trung úy Zơ Râm Xiết lôi trong cốp xe ra hai bộ sên máy và quấn vào bánh sau xe, cài chốt để chở phóng viên đi bản. Mỗi bộ xích được độ thế này được bán với giá 200 ngàn đồng. Vào thời điểm Ga Ry chìm trong mưa gió và con đường đầy bùn nhão, xích quấn bánh xe trở thành “hàng hiếm”, phải năn nỉ mới mua được với giá mắc gấp đôi bình thường.

Chiều dần buông, trong căn phòng chiến sĩ vang lên bài hát “Chiều biên giới” của nhạc sĩ Lò Ngân Sủn. Nghe bài hát và ngắm cảnh lúc này có cảm giác như chìm vào nỗi buồn. Từ đồn nhìn ra phía xa, một chiến sĩ đang trở về doanh trại với bầy ngựa gần chục con.

Tiếng cồng, chiêng trong bản vang lên liên hồi. Đồng bào vừa săn được con thú và thay vì hú lên báo hiệu có thức ăn, họ lại gióng chiêng để tỏ lòng cảm tạ với trời. Già làng thôn A Pool là ông Pơ Long Điền cho biết: “Những dịp vui bà con thường mời bộ đội biên phòng. Con dâu của tôi là Bling Thị Lục từng bị sét đánh tưởng chết, may mà có quân y bộ đội biên phòng cứu giúp. Ở đây có chuyện gì bà con cũng gọi cho biên phòng hết”.

Khách đến thăm đơn vị thường được tặng món quà kiểu Ga Ri, đó là một can rượu gạo đơn vị tự nấu ngâm với củ đảng sâm hái từ rừng. Món ngon khách được thết đãi là thịt lợn, hương vị cực kỳ thơm ngon. Nếu ai đau lưng mỏi gối sẽ được tặng can rượu ngon ngâm với chuối rừng Trường Sơn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm