Obama bước vào Nhà Trắng: 4 vấn nạn tổng thống Bush để lại

Vào thế kỷ 18, vua Louis XV (1710-1774) của Pháp đã nói một câu bất hủ: “Après moi, le déluge!” (Sau tôi là nạn hồng thủy!). Tình cảnh nước Mỹ sau khi Tổng thống Bush rời Nhà Trắng sau tám năm cầm quyền gần như tương tự.

Tổng thống Bush chấm dứt đời tổng thống thứ 43 với 72% ý kiến thăm dò ở Mỹ đánh giá là mất lòng dân (Viện Gallup/hãng tin CNN). Có lẽ chỉ có Tổng thống Harry Truman dưới thời chiến tranh Triều Tiên và Tổng thống Richard Nixon với vụ tai tiếng Watergate mới có thể đạt trình độ mất lòng dân như thế.

1. Kinh tế bên bờ vực suy thoái

Bước vào Nhà Trắng năm 2000, Tổng thống Bush đã thừa hưởng thành quả tăng trưởng kinh tế mạnh do hai nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton để lại. Cú sốc nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 đã đẩy Tổng thống Bush đến quyết định thực hiện các chính sách cắt giảm lãi suất, giảm thuế hàng loạt và thả nổi luôn thị trường tài chính cho phù hợp với các chính sách của đảng Cộng hòa áp dụng từ thời Ronald Reagan.

Và rồi Tổng thống Bush đã không lường trước tình trạng người tiêu dùng, doanh nghiệp và các định chế tài chính sẽ phải mang nợ. Tình hình đầu tư bất động sản và tài chính ngày càng phình ra như bong bóng và đã phát nổ. Mùa hè năm 2008, khủng hoảng tài chính bùng nổ tại Mỹ và lan ra thế giới. Kinh tế Mỹ bước vào con đường suy thoái vào cuối năm 2008.

2. Cuộc chiến chống khủng bố chưa có hồi kết

Hai nhiệm kỳ của Tổng thống Bush ghi dấu ấn với sự kiện ngày 11-9-2001, vụ tấn công khủng bố đầu tiên vào Mỹ trong lịch sử nước Mỹ. Sự kiện này đã bộc lộ những kẽ hở trong bộ máy phòng vệ quốc gia. Tổng thống Bush quyết định lập Bộ An ninh nội địa. Đây là cuộc tái cấu trúc chính phủ liên bang quan trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Với lý do đấu tranh chống khủng bố, chính quyền của Tổng thống Bush đã thực hiện nhiều biện pháp gây sốc cho người dân Mỹ và làm xấu đi hình ảnh nước Mỹ trên thế giới. Trong nước là mở rộng giám sát điện tử. Ngoài nước là giam giữ nghi can khủng bố trái pháp luật tại căn cứ Guantanamo, sử dụng nhục hình tại nhà tù Abu Ghraib (Iraq).

Bộ máy hành pháp chịu ảnh hưởng của Phó Tổng thống Dick Cheney liên tục vi phạm hiến pháp, bành trướng quyền lực, bất chấp Quốc hội và tòa án tối cao. Dù vậy, hiểm họa khủng bố vẫn còn, Mỹ chưa thể ngăn chặn tổ chức Al-Qaeda lập căn cứ ở biên giới Pakistan và Afghanistan. Sau khi lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan vào cuối năm 2001, Mỹ đưa quân sang Iraq lật đổ Tổng thống Saddam Hussein, một sai lầm chiến lược theo đánh giá của các chuyên gia Mỹ.

Đến nay, hơn 4.000 binh lính Mỹ thiệt mạng và khoảng 30.000 binh sĩ bị thương tại chiến trường Iraq. Ngân sách cho chính sách can thiệp tại Afghanistan và Iraq ngốn 1.000 tỷ USD. Hiện nay, dư luận Mỹ vẫn thiên về xu hướng Mỹ phải rút quân khỏi Iraq.

3. Mỹ bị cô lập trên chính trường quốc tế

Bất chấp LHQ phản đối, chính quyền của Tổng thống Bush vẫn giương cao ngọn cờ chủ nghĩa đơn cực để đưa quân sang Iraq. Hậu quả là Mỹ bị cô lập chưa từng thấy, làn sóng chống Mỹ lan rộng khắp thế giới. Trong thế bị cô lập, Mỹ đã khó khăn hơn khi kêu gọi kìm hãm phát triển vũ khí hạt nhân, thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Trung Đông.

Ảnh hưởng ngoại giao của Mỹ càng bị thu hẹp hơn khi Mỹ từ chối hợp lực cùng cộng đồng quốc tế đấu tranh chống hiệu ứng nhà kính (về Nghị định thư Kyoto) cũng như thương lượng trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (vòng đàm phán Doha).

Trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ, Mỹ mới cố gắng kết nối quan hệ với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Cuộc khủng hoảng tài chính và thị trường chứng khoán Wall Street sụp đổ đã buộc Mỹ phải chấp nhận các đề nghị của châu Âu cùng cam kết hợp lực cứu vãn hệ thống tài chính toàn cầu.

4. Giấc mơ Mỹ bị khủng hoảng

Dưới thời Tổng thống Bush, khoảng cách bất bình đẳng xã hội đã đạt đến quy mô chưa từng có kể từ những năm 1920. Tình trạng nghèo đói tuy không gia tăng nhưng thu nhập của đa số người làm công ăn lương chựng lại, thậm chí còn giảm sút. Các biện pháp giảm thuế áp dụng từ năm 2001 chỉ có lợi cho 1% người Mỹ giàu có.

Người dân với mức thu nhập trung bình chỉ có thể duy trì được mức sống bằng cách vay nợ và kéo dài thời gian lao động. Trong khi đó, chi phí bảo hiểm y tế và học phí không ngừng tăng. Theo Bộ Lao động Mỹ, tháng 10 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp đã nhảy vọt đến 6,5%, mức cao nhất trong 14 năm qua.

Trong tám năm cầm quyền, Tổng thống Bush không đưa ra được cải cách nào đáng kể để tháo ngòi quả bom nổ chậm về mức thâm thủng ngân sách đe dọa sẽ đưa Mỹ đến chỗ phá sản vào năm 2050. Các cải cách liên quan đến bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế cho người về hưu và bảo hiểm y tế nói chung cũng vậy. Hơn 42 triệu dân Mỹ vẫn chưa có bảo hiểm y tế.

Ngân sách liên bang ngày càng thiếu hụt do thuế thu vào giảm, chi phí cho chiến tranh ở nước ngoài tăng, bộ máy chính quyền càng nở phình ra và gần đây là các kế hoạch cứu nạn tài chính. Ví dụ điển hình nhất để minh họa cho guồng máy của Tổng thống Bush là hình ảnh TP New Orleans (bang Louisiana) tan hoang sau cơn bão Katrina hồi năm 2005 do bộ máy chính quyền phản ứng quá chậm chạp.

NGỌC LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm