Trong cuộc họp báo sau buổi tiếp bà Aung San Suu Kyi – Ngoại trưởng, Cố vấn nhà nước Myanmar tại Phòng Bầu dục của Nhà trắng ngày 14-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Mỹ đã sẵn sàng gỡ bỏ trừng phạt Myanmar.
“Căn cứ vào tiến trình chúng tôi đã thấy trong vài tháng trở lại đây, tôi đã tham vấn với bà Suu Kyi và tuyên bố Mỹ chuẩn bị gỡ bỏ các lệnh trừng phạt chúng tôi đã áp lên Myanmar. Đây là điều đúng đắn cần làm.”
Bà Suu Kyi được Tổng thống Obama tiếp đón theo nghi thức đón lãnh đạo tại Nhà trắng ngày 14-9. Ảnh: AFP
Tổng thống Obama không nói rõ khi nào ông sẽ hủy bỏ sắc lệnh trừng phạt Myanmar, chỉ nói việc này sẽ sớm diễn ra.
Tổng thống Obama sẽ đưa Myanmar vào danh sách các nước đang phát triển có quyền được đối xử thương mại đặc biệt từ Mỹ, vốn cho phép miễn thuế nhập khẩu 5.000 mặt hàng. Mỹ cũng sẽ sớm gỡ bỏ tình trạng “quốc gia khẩn cấp” đã áp lên Myanmar trong hơn 2 thập kỷ.
Tổng thống Obama chúc mừng tiến trình chính trị mà Myanmar đã đạt được, dù thừa nhận còn rất nhiều việc phải làm, rất nhiều khó khăn phải đối mặt phía trước. “Đây quả thật là một điều tốt đẹp, nhất là trong thời buổi có nhiều nước chọn đi con đường trái ngược”, ông Obama nhận định.
Theo CNN, dù Mỹ có gỡ bỏ trừng phạt Myanmar thì cũng giữ lại một số hạn chế với quân đội và một số cá nhân Myanmar mà Mỹ cho rằng sẽ gây bất lợi cho tiến trình tiến lên dân chủ của chính phủ mới Myanmar. Hồi tháng 5, Mỹ đã gỡ bỏ một số lệnh cấm vận tài chính và thương mại đối với các ngân hàng và công ty nhà nước Myanmar.
Bà Suu Kyi được chào mừng đến Nhà trắng ngày 14-9. Ảnh: AFP
Nhiều nhà hoạch định chính trị lo ngại việc gỡ bỏ hoàn toàn trừng phạt sẽ làm Mỹ yếu thế và có thể khiến quân đội Myanmar mạnh tay cản trở đất nước tiến lên dân chủ. 25% số ghế trong Quốc hội Myanmar hiện vẫn thuộc về quân đội.
Nhiều nhóm nhân quyền chỉ trích quyết định này của Tổng thống Obama là một bước đi thụt lùi trong chính sách đối với Myanmar. “Gỡ bỏ trừng phạt trước khi công cuộc cải cách của chính phủ mới đơm hoa kết trái, rộng đường cho doanh nghiệp Mỹ đến làm ăn với tàn dư còn lại của quá khứ Myanmar là điều hoàn toàn không có lợi.”
Dù không phải là tổng thống Myanmar nhưng bà Suu Kyi đã được Mỹ tiếp đón theo hình thức lãnh đạo. Chức Cố vấn Nhà nước của bà Suu Kyi có quyền lực tương đương chức thủ tướng. Sau khi hội đàm với Tổng thống Obama, bà Suu Kyi đã đi thăm và chụp hình tại khu vực Phòng Bầu dục trong Nhà trắng.