Ngày 5-4, Hạ viện Myanmar thông qua dự luật cho phép bà Aung San Suu Kyi nhận chức vụ cố vấn quốc gia.
Báo New York Times (Mỹ) cho biết trong phiên bỏ phiếu, các hạ nghị sĩ quân đội đã đứng hết cả lên để phản đối, chỉ trích dự luật là một hành động giành quyền lực bất chấp hiến pháp, đồng loạt tẩy chay cuộc bỏ phiếu.
Tuy nhiên, động thái tẩy chay này không cản được Hạ viện thông qua dự luật, vì số nghị sĩ đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) chiếm đa số tại Hạ viện.
Bà Suu Kyi và Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing tại thủ đô Naypyidaw (Myanmar) tuần trước. (Ảnh: NEW YORK TIMES)
Mấy ngày nay quân đội Myanmar ráo riết tính cách hạn chế quyền lực bà Suu Kyi. Ngày 4-4, các nghị sĩ quân đội đã đề nghị Quốc hội cho họ thêm thời gian để cân nhắc thêm. Họ lo ngại chức vụ này sẽ mang lại cho bà Suu Kyi quyền lực tương đương tổng thống, làm mất thăng bằng cán cân quyền lực giữa ba nhánh chính phủ: Quốc hội, nội các, quân đội.
“Chúng tôi cần thêm thời gian để cân nhắc. Nếu vội vàng thông qua dự luật trong thời gian ngắn thì sẽ có dấu hỏi về các tiêu chuẩn dân chủ và minh bạch.”, Chuẩn tướng Maung Maung, hạ nghị sĩ quân đội và là thành viên Ủy ban dự luật của Hạ viện tuyên bố.
“Các nghị sĩ quân đội Myanmar sẽ bàn khả năng sửa đổi dự luật theo hiến pháp. Nếu dự luật phù hợp với hiến pháp thì các nghị sĩ quân đội sẽ ủng hộ nó”, ông Maung Maung cho biết.
Dự luật đã được Thượng viện thông qua cuối tuần trước. Trong phiên bỏ phiếu này các thượng nghị sĩ quân đội cũng phản đối dữ dội nhưng không cản được thông qua dự luật, cũng chỉ vì các nghị sĩ NLD chiếm ưu thế.
Tổng số nghị sĩ quân đội chiếm 25% tại Quốc hội. Dự luật hiện đang chờ Tổng thống Htin Kyaw ký phê duyệt thành luật.
Chức cố vấn quốc gia cho phép bà Suu Kyi điều phối hoạt động giữa Quốc hội và chính phủ. Ngoài chức vụ này bà Suu Kyi còn giữ hai vị trí bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ Văn phòng tổng thống.