Bà Suu Kyi sang Mỹ gặp ông Obama

Ngày 14-9 (giờ Mỹ), tại thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tiếp Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi.

Hãng tin Reuters (Mỹ) dẫn thông tin từ Nhà Trắng cho biết dự kiến trong cuộc gặp, Tổng thống Obama sẽ tham vấn với bà Suu Kyi về việc dỡ bỏ thêm trừng phạt Myanmar. Theo Reuters, việc dỡ bỏ thêm trừng phạt là điều chắc chắn sẽ xảy ra tới đây trong tình hình bà Suu Kyi không còn là thành phần đối lập.

Theo Nhà Trắng, Tổng thống Obama rất muốn nghe quan điểm của bà Suu Kyi xem thử Mỹ nên dỡ bỏ trừng phạt Myanmar ở mức độ nào. Kể từ khi nhậm chức ngoại trưởng cuối tháng 3 đến nay, bà Suu Kyi vẫn chưa kêu gọi Mỹ chấm dứt mọi trừng phạt.

Tổng thống Obama và bà Suu Kyi trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp tại Yangon (Myanmar) ngày 14-11-2014.

Tổng thống Obama và bà Suu Kyi trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp tại Yangon (Myanmar) ngày 14-11-2014. Ảnh: REUTERS

Trong cuộc họp về Myanmar ngày 13-9, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes nói Mỹ muốn đảm bảo việc giảm trừng phạt của Mỹ có lợi cho tiến trình chuyển tiếp lên dân chủ và cả đầu tư của Myanmar.

Mỹ đã gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt Myanmar đầu năm nay nhằm thể hiện sự ủng hộ với tiến trình cải cách chính trị của Myanmar, tuy nhiên vẫn giữ phần lớn các trừng phạt về kinh tế.

Theo Reuters, ngoài Tổng thống Obama, bà Suu Kyi sẽ gặp Phó Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry.

Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi (phải) tiếp kiến Thủ tướng Anh Theresa May tại dinh thủ tướng số 10 Downing trong chuyến thăm Anh ngày 13-9.

Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi (phải) tiếp kiến Thủ tướng Anh Theresa May tại dinh thủ tướng số 10 Downing trong chuyến thăm Anh ngày 13-9. Ảnh: AP

Đây là chuyến công du Mỹ đầu tiên của bà Suu Kyi sau khi đảng chính trị của bà chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái. Luật Myanmar ngăn bà Suu Kyi làm tổng thống vì có con không phải công dân Myanmar. Ngoài vị trí ngoại trưởng, bà Suu Kyi còn giữ một chức vụ đặc biệt quyền lực, được thiết kế riêng cho bà: Cố vấn nhà nước.

Myanmar đã thành lập chính phủ dân sự, tuy nhiên quân đội vẫn kiểm soát 25% số ghế trong Quốc hội và lãnh đạo ba bộ, ngành quan trọng. Theo Reuters, ngoài vấn đề đối nội, bà Suu Kyi còn phải đối mặt với thách thức điều khiển quan hệ giữa Myanmar với Mỹ và với láng giềng Trung Quốc - vốn có quan hệ rất tốt với chính phủ quân sự trước kia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm