Ông Biden mở đầu nhiệm kỳ bằng hòa giải và hàn gắn

Ngày 20-1 (giờ địa phương), ông Joe Biden cuối cùng đã tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành tổng thống Mỹ thứ 46 sau nhiều tháng tranh chấp kết quả bầu cử với người tiền nhiệm Donald Trump. Dù chiến thắng hết sức kịch tính như vậy, song ông Biden gần như sẽ không thể có thời gian ăn mừng bởi chặng đường bốn năm phía trước sẽ là phép thử nặng ký đối với khả năng lãnh đạo của ông.
“Đoàn kết là vũ khí hiệu quả nhất”
Sau vụ người ủng hộ ông Trump quá khích tràn vào tòa nhà Quốc hội đập phá ngày 6-1, an ninh tại thủ đô Washington, D.C. cũng như thủ phủ 50 bang trên khắp nước Mỹ phải được siết chặt suốt hai tuần qua, nhiều biện pháp được triển khai nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình vũ trang. Không giống không khí chào mừng tân tổng thống của những năm trước, cả Washington, D.C. luôn được đặt trong tình trạng báo động để đối phó với bạo loạn.
 Tiêu điểm
Theo tờ USA Today, bài diễn văn của ông Biden dài 2.525 chữ, hơn mức trung bình của các đời tổng thống trước khoảng 200 chữ nhưng dài hơn bài diễn văn của ông Trump tới 1.000 chữ.
Với người dân Mỹ, những diễn biến nói trên là điều đáng buồn bởi chúng phản ánh tình trạng hỗn loạn và rối ren của một nước Mỹ bị chia rẽ và phân cực ngày càng sâu sắc - không những trên chính trường mà cả trong xã hội, cũng như gây tổn hại nghiêm trọng tới hình ảnh nước Mỹ trên trường quốc tế.
Do đó, không quá khó hiểu khi một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất của ông Biden ở thời điểm hiện tại là phải nhanh chóng tìm cách khơi lại tình đoàn kết quốc gia và hàn gắn mâu thuẫn chính trị giữa các phe phái trong nước. Mục tiêu này thể hiện rất rõ, được lặp lại nhiều lần trong diễn văn nhậm chức của ông và cả trong những phát ngôn khi còn tranh cử trước đó.
“Tôi muốn mọi người dân Mỹ hãy cùng tôi đồng hành trên con đường tìm lại linh hồn của nước Mỹ. Cùng nhau đối mặt với sự thù hằn, chủ nghĩa cực đoan, bạo lực và sự vô kỷ cương. Đoàn kết là vũ khí hiệu quả của chúng ta và chỉ khi đoàn kết thì chúng ta mới có thể làm nên những điều kỳ diệu và sửa chữa sai lầm” - ông Biden nói.

Ông Joe Biden tiến hành nghi thức tuyên thệ nhậm chức bên ngoài tòa nhà Quốc hội ngày 20-1. Ảnh: REUTERS

Ông cũng gửi lời chia sẻ đến những người phản đối, không đồng tình với ông rằng hãy lắng nghe bản thân ông và sự chân thành của ông. Họ có quyền bất đồng với ông Biden nhưng sự bất đồng ấy không được gây chia rẽ đoàn kết quốc gia. Ông Biden cũng cam kết sẽ là tổng thống đại diện cho tất cả người dân, không loại trừ cá nhân nào. 
Theo tờ The New York Times, giới chuyên gia nhìn chung đánh giá cao bài phát biểu của ông. TS Jon Ellis Meacham thuộc ĐH Vanderbilt University (Mỹ) nhận định những thông điệp về hàn gắn quốc gia mà ông Biden truyền tải đã tạo được hiệu ứng tích cực, trước mắt là trấn an người dân với cam kết rằng sẽ không ai bị cô lập hay bỏ lại phía sau. Đặt cạnh bài phát biểu nhậm chức của ông Trump hồi năm 2017, sự tương phản hiện lên rõ ràng khi ông Trump hầu như chỉ tập trung nói về kế hoạch “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông mà không đả động gì đến tình trạng phân cực chính trị vốn đã bắt đầu trở nên nghiêm trọng vào lúc đó.
“Ông Trump trong nhiệm kỳ vừa qua đã bất chấp theo đuổi những mục tiêu của mình mà bỏ qua, thậm chí đối đầu với những người không có cùng quan điểm với ông. Ông ấy đã quên mất rằng nhiệm vụ của tổng thống là phải đem mọi người lại với nhau để tìm ra giải pháp chung. Giờ đây, tôi kỳ vọng ông Biden sẽ cho chúng ta thấy một lãnh đạo thực sự là như thế nào” - ông Meacham khẳng định.
Nhiều cơ hội để ông Biden tạo đột phá
Không chỉ dừng lại ở bài diễn văn nhậm chức, ông Biden còn cho người dân Mỹ thêm nhiều cơ sở để tin tưởng vào một nhiệm kỳ mới thành công tốt đẹp thông qua những gì ông đã làm được trong suốt sự nghiệp chính trị của bản thân. The New York Times cho rằng những mối quan hệ đã gây dựng trong suốt 36 năm làm việc tại thượng viện và tám năm trên cương vị phó tổng thống dưới thời ông Barack Obama sẽ giúp ông Biden mang lại cảm giác ôn hòa, thân mật, từ đó tạo ra sự đồng thuận lưỡng đảng để đạt được thỏa thuận nhằm giải quyết các vấn đề của nước Mỹ. Ngoài ra, việc đảng Dân chủ lần đầu tiên kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội sau nhiều năm rõ ràng cũng tạo điều kiện thuận lợi để ông Biden thực hiện các chương trình nghị sự trong bốn năm tiếp theo.
Dĩ nhiên, con số 70 triệu cử tri bầu cho ông Trump hồi năm ngoái chắc chắn sẽ là thách thức không nhỏ cho ông Biden trên con đường tiến tới hòa giải quốc gia. Tuy nhiên, ông Biden đã nhiều lần chứng tỏ mình là một lãnh đạo biết thông cảm hơn người tiền nhiệm của mình. “Nếu ông tiếp cận những người ủng hộ ông Trump trên tinh thần như vậy và lắng nghe những vấn đề của họ thì có thể sẽ giải quyết phần nào giữa hai bên. Các nhóm thiểu số và đa chủng tộc khác nhờ thế cũng sẽ có động lực để lên tiếng hơn, giúp thu hẹp bất đồng và mở rộng tầm nhìn chung” - TS Jon Ellis Meacham cho hay.•
 Vừa nhậm chức, ông Biden ký ngay 17 sắc lệnh đầu tiên
Đài CNN đưa tin ngày 20-1, ngay sau lễ nhậm chức, trước ống kính camera tại Phòng Bầu dục, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ghi những dấu ấn đầu tiên bằng việc đặt bút ký tổng cộng 17 sắc lệnh hành pháp.
“Đây sẽ là việc đầu tiên trong rất nhiều việc chúng ta phải làm ở đây. Tôi nghĩ với tình hình đất nước ngày nay thì không có thời gian để lãng phí. Hãy bắt tay vào làm việc ngay lập tức” - ông Biden khẳng định với các phóng viên xung quanh.
CNN cho biết trong các sắc lệnh ông Biden ký nói trên có sắc lệnh chấm dứt việc hạn chế nhập cảnh với công dân ở nhiều nước Hồi giáo. Đây là một trong những sắc lệnh đầu tiên được ông Trump ký sau khi nhậm chức năm 2017.
Một sắc lệnh khác đáng chú ý là bắt buộc đeo khẩu trang tại các tòa nhà công sở liên bang và đất thuộc liên bang. Tổng thống Biden cũng chấm dứt “tình trạng khẩn cấp an ninh quốc gia” mà ông Trump đã ban bố nhằm huy động tiền xây dựng bức tường biên giới với Mexico. Ngoài ra, còn có một sắc lệnh về đưa Mỹ tái gia nhập hiệp định khí hậu Paris.
“Một số sắc lệnh hành pháp mà tôi sẽ ký hôm nay sẽ giúp thay đổi tiến trình của cuộc khủng hoảng COVID-19 và chống lại biến đổi khí hậu theo những cách mà trước nay chúng ta chưa từng làm” - ông Biden nhấn mạnh. Dự kiến ông Biden sẽ ký hơn 50 lệnh hành pháp trong 10 ngày đầu của nhiệm kỳ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới