Ông chủ sạp rau 'Minh Râu': Cách ly tại nhà, lo người nghèo thiếu rau ăn

Lời tòa soạn:
Phạm Hồng Minh, anh chàng bán rau dễ thương được nhiều người trên cộng đồng mạng biết đến với biệt danh Minh Râu hiện đang phải cách ly tại nhà ở Biên Hòa, Đồng Nai. Anh chia sẻ với PLO về những trải nghiệm vui buồn trong thời gian cách ly. Chúng tôi xin được chuyển tải tâm sự của anh đến bạn đọc. 

Lúc còn chưa bị cách ly, anh Minh bán rau, thường miễn phí cho người khó khăn. Ảnh: NL

Là F1 của một tiểu thương nhiễm bệnh ở chợ Tân Biên, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tôi chọn cách khai báo y tế, tự cách ly tại nhà.

Trong thời gian cách ly, tôi luôn lo lắng cho khách hàng – những công nhân, người lao động có thu nhập thấp, không có chỗ mua rau giá rẻ. Nhiều người nhắn tin đến nhờ tôi hỗ trợ. Tôi chỉ có thể cho họ một ít gạo và vài lời động viên.

Nhiều người khó khăn liên lạc nhờ hỗ trợ

Hiện tại, tôi vẫn chưa đi bán rau trở lại dù đã hoàn thành thời gian cách ly tại nhà. Để đảm bảo an toàn, tôi chọn cách tự cách ly đến bao giờ cảm thấy ổn thì mới yên tâm. Tôi có con nhỏ mới hơn 15 tháng tuổi nên tự dặn mình không được chủ quan.

Trước đó, tiểu thương mà tôi thường lấy rau ở chợ Tân Biên bị nhiễm bệnh. Tôi biết tin liền đi khai báo y tế, chủ động tự cách ly tại nhà. Mỗi ngày, nhân viên y tế đều đến nhà tôi để kiểm tra sức khỏe. May mắn, qua hai lần kiểm tra, kết quả xét nghiệm của tôi đều âm tính.

Anh Minh nổi tiếng hào sảng, cho rau người nghèo, bán rau giá rẻ. Ảnh: NVCC

Bình thường, tôi buôn bán ở chợ, đã quen với nếp sống bận rộn, xô bồ. Cho nên, những ngày tự cách ly quả thật rất buồn chán. Tôi tìm nhiều cách để đỡ buồn như chơi với con, dọn dẹp nhà, lướt Facebook, đọc báo

Điều tôi lo lắng nhất trong thời điểm nghỉ bán, cách ly tại nhà là khách hàng của tôi – những công nhân, người lao động nghèo, không có chỗ mua rau giá rẻ. Tôi thường bán rau với giá rẻ hơn các tiểu thương khác, cho rau đối với những hoàn cảnh quá khó khăn. Khi tôi nghỉ bán, khách hàng nghèo buộc phải mua chỗ khác.

Với những người thu nhập cao, chuyện hàng hóa mắc rẻ một tuần, một tháng không thành vấn đề nhưng với công nhân, người có thu nhập thấp thì lại là vấn đề rất lớn. Mỗi tháng, công nhân chỉ nhận lương khoảng 4-8 triệu đồng mà phải lo con cái, gia đình… đủ thứ phải lo.

Nhiều người liên lạc, hỏi thăm tại sao tôi nghỉ bán, rồi họ kể về hoàn cảnh gia đình. Mỗi người một câu chuyện thương tâm khiến lòng tôi đau thắt...

Nhiều công nhân, người lao động có thu nhập thấp tựa vào vựa rau của anh mà sống qua ngày. Ảnh: NVCC

Hôm bữa, có chị công nhân nhắn tin: “Anh Minh nghỉ bán, em không có tiền mua rau chỗ khác. Bây giờ, cả nhà em cũng không gạo, rau gì để ăn”. Đọc xong tin nhắn, tôi chỉ biết nhờ vợ đi mua gạo, trứng gà rồi gọi em ấy sang lấy về ăn.

Đó là những trường hợp khách hàng thường mua rau, tôi nắm rõ hoàn cảnh, chứ người lạ nhắn tin cầu cứu thì nhiều lắm, tôi cũng không thể giúp được gì hơn vào lúc này. Bởi vậy, có cách ly ở nhà, lòng tôi cũng không yên, lo lắng khách hàng phải đi mót rau hư mà ăn.

Bị chửi vì không bán giá cao, không nhận tiền ủng hộ

Cuộc sống này cũng thật khôi hài. Mỗi người một cách sống, tôi chọn sống chân thật, không màu mè. Mỗi việc tôi làm như cho rau người nghèo, không nhận tiền ủng hộ của mạnh thường quân… đều rất bình thường nhưng lại thành dị thường với đa số.

Hàng rau của anh Minh gây chú ý với những dòng chữ hóm hỉnh mà ý nghĩa. Ảnh: NVCC

Tôi không đi bán, chọn cách tự cách ly y tế thì có một số bạn hàng khác nhắn tin trêu ghẹo. Họ nói tôi ngu, tôi khùng… mới nghỉ bán, những ngày này họ hốt bạc. Tôi kệ và cũng chỉ trả lời: “Tiền thì ai chả muốn có nhưng mà tiền có như thế nào mới quan trọng, đâu nhất thiết phải kiếm tiền trong thời gian này”.

Mà nếu không bị cách ly thì tôi vẫn bán đúng giá, lãi ít thôi, hoặc cho thêm rau những hoàn cảnh khó khăn, chẳng việc gì phải tăng giá “cắt cổ”. Tôi đâu có khổ hay thiếu thốn mà đi làm chuyện đó.

Trước đây, tôi thường cho rau bà con nghèo. Để đáp lại, họ có chai nước, hộp bánh cũng đem lại tặng cho tôi. Tôi không nhận, họ bỏ đó rồi đi về. Những thứ đó mới quý giá, chứ tiền bạc muốn kiếm thì lúc nào kiếm chẳng được.

Với những người ở trọ, hôm nào tôi đi thu tiền nhà mà thấy họ khó khăn quá thì tôi cũng về không. Tôi nghĩ có ép họ trả thì với số tiền đó, tôi nhậu một bữa cũng hết.

Tôi đâu chỉ bị chửi vụ nghỉ bán, bán rau giá rẻ mà còn vụ không nhận tiền ủng hộ của mạnh thường quân. Người quen lẫn không quen đều chửi tôi ngu, người ta cho tiền mà không nhận, cứ nhận rồi tiêu một nửa, một nửa đem cho người khác. Tôi bực quá, mới nói lại: “Mình nhận tiền đó, mình phải có trách nhiệm, chứ nhận đó rồi tiêu lung tung, tối nhậu không ngon, ngủ không ngon đâu”.

Anh Minh Râu đang nghỉ bán, tự cách ly tại nhà. Ảnh: NVCC

Thực tế, mọi người biết đến tôi nhiều từ năm ngoái, mạnh thường quân liên lạc hỏi số tài khoản để gửi tiền nhưng tôi không nhận. Chỉ khi nào phát gạo, phát quà mà không đủ tiền thì tôi mới xin thêm, còn các việc khác tôi làm trong khả năng. Hôm qua, có người đến tận nhà ủng hộ tôi 10 triệu đồng nhưng tôi nhất quyết không nhận.

Nhiều người cũng thắc mắc tôi cứ cho rau như thế thì lấy đâu ra tiền nuôi vợ con. Thực ra, mình làm việc tốt thì cũng phải cân bằng được kinh tế gia đình. Nếu không dung hòa được, không bao giờ làm được lâu dài. Ngày nào lãi được nhiều thì tôi cho nhiều, ngày nào lãi ít tôi cho ít.

Áp lực khi bất ngờ nổi tiếng

Tôi thấy mọi việc mình làm đều rất bình thường mà không biết sao lại nổi tiếng. Tôi cũng như bao người khác có ưu, có nhược. Mấy ngày vừa rồi, tôi thấy bị áp lực nhiều quá. Nhiều người khen quá.

Tôi có tâm sự với vợ: “Chết rồi, người ta nhắc đến anh nhiều quá, làm sao anh ra ngoài ăn chơi lầy lội được đây. Thực tế, anh cũng như bao người khác, làm rồi ăn uống nhậu nhẹt, lâu lâu vợ chồng bực mình cãi nhau như chó với mèo”.

PHẠM HỒNG MINH (Minh Râu)

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm