F0 ở các khu phong tỏa tăng, TP.HCM cần làm gì?

Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 tại TP.HCM, một điểm rất đáng chú ý trong dữ liệu từ Sở Y tế TP, đó chính là số ca nhiễm trong các khu phong tỏa thường ở mức cao, trung bình lên tới trên 800 ca mỗi ngày. Trong bối cảnh hệ thống y tế TP đang chịu áp lực lớn, nếu không kéo giảm F0 trong các khu phong tỏa, hay cả khu cách ly thì việc chống dịch của TP sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Nhận diện các khu vực rủi ro cao

Muốn quản lý tốt các khu phong tỏa, phải xem xét hai vấn đề. Một là kỹ thuật phong tỏa, ví dụ cách quy hoạch khu phong tỏa; quy trình sinh hoạt và trao đổi thông tin đảm bảo giãn cách; việc kiểm tra và giám sát y tế đảm bảo phát hiện F0 kịp thời và không lây chéo. Hai là kỷ luật phong tỏa, tức là sự giám sát, nhắc nhở hoặc các biện pháp chế tài với người vi phạm.

Các khu phong tỏa hiện nay ở TP.HCM rất đa dạng gồm: chung cư, doanh nghiệp, tòa nhà văn phòng, khu nhà trọ, xóm lao động tự do, khu dân cư... Người dân sống trong từng (nhóm) khu vực sẽ có học vấn, ý thức, tâm lý, điều kiện (tài chính, y tế, chỗ ở và sinh hoạt…), sự tổn thương khác nhau trước những diễn biến của dịch bệnh. Điều đó dẫn đến việc xuất hiện, phân bố số lượng F0 cũng trở nên khác nhau giữa từng nhóm cư dân.

Qua phân tích số liệu và khảo sát thực tế, có thể thấy các khu vực bị phong tỏa có hội tụ một hoặc đủ hai điều kiện sau thì số F0 tăng nhanh: (i) Có điều kiện hạ tầng khó khăn trong khi mật độ dân cư cao (ví dụ nhà sát nhau, nhà đông người, khu sinh hoạt công cộng hẹp, không có thiết bị giám sát…); (ii) người dân khó tiếp cận thông tin, hạn chế về nhận thức, thói quen sinh hoạt chung... Có thể thấy điều này ở các hẻm, khu nhà trọ, xóm lao động tự do…

Trong khi đó, ở các khu chung cư hay khu dân cư có hạ tầng càng tốt lên, mức độ giám sát bằng hệ thống hiện đại gia tăng, người dân có mặt bằng nhận thức cao hơn, ít khó khăn về tài chính… thì số lượng F0 thường không nhiều.

Lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ tại một khu vực phong tỏa ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI 

Thắt chặt kỷ luật nhưng dân vận phải khéo

Với từng khu vực có đặc thù riêng về hạ tầng và nhận thức, chính quyền phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật lẫn kỷ luật phong tỏa phù hợp. Hiện nay, có hai luồng quan điểm về kéo giảm F0 ở các khu phong tỏa. Nhóm thứ nhất: Thắt chặt kỷ luật trong khu phong tỏa, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: Tránh tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”.

Chỉ thị 16 cần được thực hiện nghiêm hơn bằng cách: TP tăng cường sự tham gia của lực lượng công an chính quy và sinh viên trường cảnh sát... Các lực lượng này, tùy đặc thù từng khu phong tỏa, có thể thay phiên cắm chốt. Tất nhiên, phải đảm bảo các tiêu chuẩn bảo hộ, điều kiện ăn ở an toàn cho họ. Đối với lãnh đạo địa phương, nếu việc quản lý các khu phong tỏa để xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh do thiếu trách nhiệm thì phải bị xử lý nghiêm.

Nhóm thứ hai cho rằng: TP cần chú trọng vào các giải pháp mềm mỏng hơn, chủ yếu mang tính kỹ thuật (kỹ thuật hạ tầng, kỹ thuật dân vận). Trong đó, hạ tầng tổ chức quy hoạch phong tỏa phải đảm bảo giãn cách (ví dụ giãn mật độ dân, thêm lực lượng cung ứng nhu yếu phẩm để người dân an tâm ở trong nhà). Cạnh đó, nâng cao chất lượng giám sát các khu vực công cộng (ví dụ gia tăng con người, công nghệ giám sát nhằm phát hiện, nhắc nhở và xử lý kịp thời).

Về kỹ thuật dân vận, phải tăng cường, kiên nhẫn tuyên truyền ở các khu vực mà nhận thức, điều kiện sống của người dân còn hạn chế; ngoài ra trợ giúp họ về điều kiện sống để họ an tâm ở yên chống dịch.

Người thi hành công vụ tránh mất kiểm soát, lạm quyền

Khi giám sát các khu phong tỏa, nhất là ở khu vực người dân còn hạn chế về tiếp nhận thông tin, nhận thức chưa cao, kinh tế khó khăn… tuyệt đối phải tránh tình trạng “kiêu binh”, tức là người thi hành công vụ mất kiểm soát, đi quá đà hoặc lạm quyền gây ức chế cho người dân. Khu vực càng đông người cô thế, khó khăn, hạn chế nhận thức thì người thực thi pháp luật càng phải bình tĩnh, khéo léo và linh hoạt trong việc xử lý tình huống.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨĐH Quốc gia TP.HCM 

Kéo giảm F0 khu phong tỏa: Nhìn từ quận 7

Theo số liệu thống kê, từ ngày 10-7 đến nay (tức là một ngày sau khi TP áp dụng Chỉ thị 16), quận 7 không phát sinh các ca F0 trong khu phong tỏa. Được biết quận này phong tỏa khoảng 90 khu vực với gần 4.000 hộ dân.

Khi làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn hôm 19-7, Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái cho biết qua phân tích, quận xác định được khu vực có nhiều ca dương tính là khu nhà trọ đông công nhân nhập cư, khu giáp ranh các quận, huyện lân cận và các khu nhà lụp xụp trong hẻm sâu. Trên cơ sở phân tích đó, quận 7 đề ra giải pháp phù hợp cho từng loại đối tượng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đức Trí, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành các khu cách ly y tế tập trung trên địa bàn quận 7, cho biết quận quan tâm đặc biệt đến các khu trọ, khu nhà lụp xụp, nhà trong hẻm. Tại đây, người dân vẫn quen gặp nhau, trò chuyện sau giờ đi làm nên nguy cơ lây nhiễm cao. Vì thế, quận đã tăng cường các biện pháp xét nghiệm để phát hiện kịp thời F0 hoặc các ca nguy cơ rất cao là F0. Phải bóc tách hết F0 ra khỏi khu vực dân cư. Ngoài ra, quận đầu tư tuyên truyền bằng nhiều hình thức (đến tận nơi, thông báo qua loa, nhắc nhở thường xuyên, cung cấp kiến thức phòng dịch…).

Song song đó, quận giãn cách mật độ dân số ở các khu phong tỏa, nhất là các khu trọ lụp xụp, các hẻm sâu của người lao động liên quan các khu chế xuất. Ở những nơi này, cùng một diện tích phòng nhưng có chỗ thì một người ở, chỗ thì hai, ba hoặc thậm chí là bốn người cư trú. Vì vậy, quận vận động để chuyển người từ nơi này qua nơi khác để không xảy ra lây nhiễm chéo. Một số người dân không đồng ý tách ra hay gộp ở chung với người khác, vì vậy quận phải khéo léo, kiên nhẫn, cuối cùng người dân cũng hiểu và chia sẻ.

Quận cũng cử các đội tình nguyện viên đến các khu vực phong tỏa nguy cơ cao để cung cấp nhu yếu phẩm để người dân an tâm sinh hoạt trong nhà. Quận giao nhiệm vụ giám sát các khu phong tỏa cho các bảo vệ dân số, cảnh sát khu vực và hướng dẫn cụ thể để việc giám sát đạt hiệu quả cao nhất có thể.

Hiểu tâm lý người dân để chọn giải pháp phù hợp

Thực tế, cần phối hợp nhuần nhuyễn các cách làm khác nhau để đảm bảo “quyết liệt nhưng đồng thời cũng khéo léo, linh hoạt”. Mục đích tối thượng là hiểu tâm lý, tình cảm, sự khó khăn của người dân để từ đó giúp họ chống dịch.

Lấy ví dụ, không thể áp đặt “bàn tay thép” một cách thiếu cân nhắc vào các xóm lao động, khu trọ mà người dân có điều kiện nhận thức và kinh tế thấp. Nhóm người này đang chịu áp lực về tài chính, sức khỏe, tâm lý rất lớn trong bối cảnh nhận thức chưa cao… Vậy nên, giải pháp ưu tiên ở đây là nâng cao kỹ thuật dân vận bằng cách: Kiên nhẫn tuyên truyền bằng nhiều hình thức; cung cấp lực lượng tình nguyện viên thường xuyên nhắc nhở, động viên và giúp đỡ người dân khó khăn, như cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc men, đồng thời có thể triển khai biện pháp giãn mật độ dân số ở các khu hẻm, xóm trọ... để giảm nguy cơ.

Đối với các khu chung cư, khu dân cư bình dân, chính quyền có thể tăng cường lực lượng công an chính quy, sinh viên trường cảnh sát phối hợp với lực lượng trị an ở các phường, tổ dân phố để giám sát. Cuối cùng, với các khu tòa nhà văn phòng, chung cư cao cấp, khu biệt thự, nhà phố… thì ngoài thông tin tuyên truyền, có thể dùng công nghệ như camera, ứng dụng thông minh để giám sát.

Ngoài ra, cần huy động các nhóm tình nguyện, tổ chức tôn giáo. Họ là “bàn tay nối dài” của chính quyền. Có ba nhóm chính: (1) Cứu trợ, phân phối thực phẩm kịp thời của các nhóm thiện nguyện đến các khu vực khó khăn; (2) tư vấn sức khỏe thể chất và tinh thần cho người dân từ xa miễn phí (bằng điện thoại, Internet) của các nhóm y bác sĩ; (3) động viên tinh thần, giáo dục ý thức, củng cố tâm lý cho tín đồ (của các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng).

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ ĐH Quốc gia TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm