Theo The Diplomat, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên lên thăm tàu chiến lớn nhất Nhật Bản - tàu sân bay trực thăng JS Izumo của Lực lượng Phòng vệ hàng hải Nhật Bản (JMSDF) ở vịnh Subic. Tàu sân bay JS Izumo neo đậu ở bờ biển phía Tây quần đảo Luzon ở Philippines hôm 4-6.
Tàu sân bay trực thăng JS Izumo được hạ thủy vào ngày 25-3. Ảnh: KYODO NEWS
Tàu sân bay trực thăng JS Izumo và khu trục hạm lớp Takanami có tên lửa dẫn đường JS Sazanami đang ở Philippines trong chuyến thăm kéo dài bốn ngày sau khi tham gia tập trận theo khuôn khổ chương trình Đối tác Thái Bình Dương (PP17) do Mỹ dẫn đầu. PP17 là cuộc tập trận đa phương hằng năm lớn nhất liên quan tới hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai được tiến hành ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tổng thống Duterte chuẩn bị lên thăm tàu JS Izumo hôm 4-6. Ảnh: FACEBOOK
Khi bước lên boong tàu sân bay, Tổng thống Duterte đã được ông Katsuyuki Kawai, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tiếp đón cùng với Đô đốc Yamamura, Phó Tổng tham mưu về kế hoạch và chính sách quốc phòng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Tư lệnh của Hạm đội hộ tống 1 (Escort Flotilla One) của JMSDF - Chuẩn Đô đốc Yoshihiro Goka bên cạnh các quan chức cấp cao của Nhật Bản.
Sau một báo cáo về năng lực của tàu sân bay JS Izumo, ông Duterte đi tham quan một số khu vực như các cơ sở y tế và trung tâm chỉ huy của tàu. Theo thông cáo từ Bộ Quốc phòng Nhật, trong lúc thăm tàu Izumo, ông Kawai nhấn mạnh rằng “Nhật Bản hy vọng tăng cường hợp tác quốc phòng trong an ninh hàng hải với Philippines, đồng thời công nhận cả Nhật Bản và Philippines đều là quốc gia hàng hải và tất cả lợi ích quốc gia đều bắt nguồn từ biển”.
Ông Duterte ngồi cùng các quan chức Nhật Bản trên boong tàu sân bay. Ảnh: FACEBOOK
Đáp lại, nhà lãnh đạo Philippines “đánh giá cao những trải nghiệm tuyệt vời trên tàu Izumo cũng như khả năng vượt trội của tàu sân bay Izumo”. “Tổng thống Duterte cũng tuyên bố rằng Philippines sẵn sàng thúc đẩy sâu rộng hợp tác quốc phòng với Nhật Bản” - tờ Philippines Star trích thông cáo.
Bên cạnh đó, ông Duterte nhấn mạnh “tình bạn lịch sử” giữa hai quốc gia và cam kết là một đồng minh của Nhật “mọi thời đại”.
Theo thông cáo của hải quân Philippines, chuyến thăm bốn ngày của Escort Flotilla One nhằm “nâng cao mối quan hệ vững mạnh giữa hải quân Philippines (PN) và JMSDF. Điều này sẽ thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác hàng hải giữa hai quốc gia thông qua ngoại giao hàng hải và sự hữu nghị”.
Bên trong tàu sân bay JS Izumo khi ông Duterte lên thăm. Ảnh: FACEBOOK
Trong vài ngày tới, hải quân của Nhật Bản và Philippines sẽ tham gia thăm tàu chiến lẫn nhau và tổ chức một số sự kiện thể thao cùng với các hoạt động khác.
Hồi đầu năm, Tổng thống Duterte đã thăm tàu chiến Trung Quốc và Nga neo đậu tại cảng Philippines. Tuy nhiên, khi tàu sân bay lớp Nimitz USS Carl Vinson của Mỹ đến Philippines hồi tháng 5, ông Duterte chỉ cử ba bộ trưởng trong nội các lên thăm tàu sân bay này. Khi đó, một số nhà phân tích cho rằng động thái này của Tổng thống Duterte cho thấy Philippines muốn lạnh nhạt với Mỹ và xích gần Trung Quốc.
Chuyến thăm tàu sân bay trực thăng Izumo của Nhật mà ông Duterte thực hiện hôm 4-6 đã dấy lên một số chỉ trích từ Trung Quốc. Bắc Kinh xem tàu chiến JS Izumo là bằng chứng đáng báo động việc Nhật Bản gia tăng khả năng chiến đấu. Ngoài ra, truyền thông nhà nước Trung Quốc nhiều lần chỉ ra rằng cái tên Izumo trùng tên với tàu đô đốc của hạm đội Nhật Bản đã xâm lược Trung Quốc trong những năm 1930.
Ông Duterte là tổng thống đầu tiên lên thăm tàu sân bay lớn nhất Nhật Bản. Ảnh: FACEBOOK
Theo The Diplomat, hải quân Nhật Bản chính thức phân loại JS Izumo là khu trục hạm sân bay (và tàu hộ tống) nhằm giảm nhẹ khả năng chiến đấu của tàu. JS Izumo được cho là có khả năng chứa tới 14 trực thăng (bảy trực thăng SH-60k ASW và bảy trực thăng Agusta Westland MCM-101 phá ngư lôi). Thêm vào đó, JS Izumo và JS Sazanami đã tham gia tập trận hải quân với hải quân Mỹ ở biển Đông hồi tháng 5. Bất chấp việc Tổng thống Duterte có ý muốn làm ấm quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản vẫn duy trì quan hệ thân thiết với Philippines. Manila và Tokyo cũng đã ký kết một thỏa thuận về chuyển giao công nghệ và trang thiết bị quân sự vào năm 2016.