Vừa nhai xong miếng bánh cuối cùng, ông uống một ngụm nước rồi ngả lưng vào vách. Đôi mắt ông lim dim, gương mặt ông bình thản. Dường như những biến động của cuộc đời đến giờ này đã làm ông chai sạn...
Chặt đứt hai ngón tay để... trốn lính
1 giờ chiều, chúng tôi gặp ông trong con hẻm trên đường Nguyễn Huy Tự, đối diện chợ Đakao (phường Đakao, quận 1 TP.HCM). Ông người nhỏ thó, tóc cắt ngắn, da ngăm đen. Bộ quần áo trên người ông sạch sẽ và lành lặn. Cạnh ông, chiếc xích lô, phương tiện mưu sinh nhiều năm qua và cũng là nhà ở di động của ông nằm im lìm dưới ánh nắng oi bức.
Chiếc xích lô cũng là ngôi nhà di động của ông già xích lô tuổi 82. Ảnh: TRẦN CHÁNH NGHĨA
Chúng tôi đến ngồi bên cạnh ông, ông vui vẻ cười nói. Mọi việc với ông lúc này chẳng còn gì để phải e ngại. Câu chuyện bắt đầu...
Ông là Lê Văn Có, 82 tuổi. Sinh ra và lớn lên tại quận 4, tuổi thơ của ông đầy bất hạnh. Nhà nghèo, anh chị em đông - không được ăn học như bao đứa trẻ khác - ông chỉ học đến lớp 4 (bây giờ là lớp 2) chương trình Pháp rồi nghỉ học. Suốt ngày lam lũ đầu đường xó chợ.
Lớn lên, ông xin một chân bốc vác tại cảng Khánh Hội. Công việc nặng nhọc nhưng đang sức thanh niên đã giúp ông vượt qua tất cả để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Làm được vài năm, những tưởng sẽ được bền nhưng ngờ đâu, khi vừa tròn 18 tuổi, ông phải đi quân dịch. Hết thời hạn, ông ra quân trở về lại bến cảng với công việc thường nhật như trước đó.
"Mất hai ngón tay và một năm ở tù, bù lại tôi không còn bị quấy rầy nữa" - ông Lê Văn Có chia sẻ. Ảnh: TRẦN CHÁNH NGHĨA
Ngưng câu chuyện giữa chừng, ông nhìn tôi rồi đưa bàn tay phải lên. Hai ngón tay bị cụt mấy đốt.
Ông nói: Anh biết tại sao không? Khi tôi đang làm được vài năm tại bến cảng thì chính quyền Ngô Đình Diệm gọi tái ngũ với thời hạn ba năm. Quá chán những ngày sống trong quân ngũ, tôi dứt khoát không chấp hành lệnh gọi.
Ngày cuối cùng của lệnh gọi đã gần kề, tôi lấy hết can đảm tự mình dùng con dao thật bén chặt đứt hai ngón tay. Máu ra nhiều, tôi phải vào bệnh viện. Khi vết thương lành, tôi phải hầu tòa, bị kết án tù một năm vì tội hủy hoại cơ thể.
Mất hai ngón tay và một năm ở tù, bù lại tôi không còn bị quấy rầy nữa. Ra tù tôi không trở lại bến cảng mà tìm một chân phụ xe. Lúc này tôi đã gần 30 tuổi đang cần một nghề nghiệp ổn định hơn.
Nhờ làm phụ xe, tôi có điều kiện tiếp cận tay lái, chân ga, chân thắng. Trong những lúc rảnh, anh tài xế tập cho tôi lái. Dần dần, cứng tay anh cho tôi lái thay ở những đoạn đường vắng.
Ngắm... thiên hạ qua lại để suy ngẫm cuộc đời. Ảnh: TRẦN CHÁNH NGHĨA
Một hôm, anh đưa cho tôi một quyển sách và nói: "Chú đọc cho kỹ, nhớ cho hết rồi nộp đơn thi lấy bằng lái mà ra lái với người ta". Tôi ngẩn người. Sao có người tốt đến thế. Những bài học, những kiến thức về lý thuyết lái xe đã giúp tôi thành công trong kỳ thi năm ấy. Tôi được cấp bằng lái xe tải loại trên bảy tấn.
Từ đó, cuộc đời tôi thay đổi hẳn. Một mình một xe, tôi xuôi ngược từ Nam ra Trung, từ Trung vào Nam. Hầu như tỉnh, thành nào cũng có bước chân tôi, đánh dấu một bước ngoặt của cuộc đời.
Bánh xe lăn theo những cuộc tình
Vì là trai chưa vợ nên trong những chuyến xuôi ngược ông đã lưu lại những mối tình rất thơ mộng. Từ Vĩnh Long đến Bến Tre, Trà Vinh rồi ngược lên cao nguyên nào Pleiku, Buô Mê Thuột, Kon Tum mỗi tỉnh ông đều có "trạm dừng".
Chơi mãi rồi cũng có lúc nghĩ lại. Năm 31 tuổi, ông quyết định chọn người bạn trăm năm. Người vợ ông quê Nhà Bè, hằng ngày tảo tần ngoài chợ với nghề buôn bán rau.
Bữa cơm tối do người đi đường tặng. Ảnh: TRẦN CHÁNH NGHĨA
Ăn ở với nhau được vài năm có được ba gái và một trai thì cuộc tình tan vỡ. Xe còn lăn bánh, tình yêu ông còn dàn trải. Thế là thêm một người ở An Giang, một người ở Di Linh nhưng chỉ có một người ở Biên Hòa sinh được một đứa con.
Ông bà mình nói, lắm mối tối nằm không là đúng đó anh. Nhiều vợ, nhiều nhân tình và con cái cũng không ít vậy mà đến sau 1975 không còn lái xe nữa tôi lại tiếp tục thui thủi một mình sống với nghề bốc vác trong Cảng.
Năm 2000 ông làm quen với nghiệp xích lô. Hằng ngày, ông dừng xe trước chợ Đakao để đón khách, lúc ấy các loại phương tiện công cộng chưa nhiều nên xích lô còn sống được. Rồi khách thưa dần cho đến hai năm gần đây khi ông bước vào ngưỡng 80 thì không còn ai nhờ ông chở nữa.
Ông vẫn có mặt tại hẻm Nguyễn Huy Tự từ sáng đến 14 giờ. Sau đó ông di chuyển đến góc Trần Quang Khải - Đinh Tiên Hoàng ngủ nghỉ đến sáng.
Chúng tôi hỏi, tại sao ông không kiếm một nơi nào để ở. Ông nói, cả đời tôi sống ngoài đường quen rồi. Tôi không nhìn xe cộ qua lại, không nghe được tiếng ồn của động cơ, tiếng cười nói của bà con và nhất là ánh đèn đường thì tôi không tài nào chợp mắt được. Hơn nữa, anh biết không bà xã người Biên Hòa của tôi cũng thường đến thăm tôi.
Đến giờ phút này tôi mới nhận ra được chân giá trị của tình yêu. Tôi với bà đều nghèo nhưng bà không bỏ tôi. Bà bảo tôi về ở với bà để bà tiện chăm sóc nhưng tôi lỡ yêu nơi đây mất rồi.
Hằng ngày bà con thương tình, người hộp cơm người chai nước, cũng đủ vui vẻ qua ngày. Cứ hai tháng một lần bà lên đây thăm tôi cũng đủ làm tôi ấm lòng. Tôi phải bám trụ lại đây để bà còn biết chỗ mà tìm.
Giữa dòng đời xuôi ngược, ông Có vẫn lặng lẽ dắt xe qua đường tiếp tục cuộc sống mưu sinh tuổi xế chiều. Ảnh: TRẦN CHÁNH NGHĨA
Nghe câu chuyện của ông mà lòng thật xót xa. Bôn ba khắp nẻo cuối đời cũng có được một chút yêu thương, thiết tưởng bấy nhiêu cũng đủ làm ông vui sống.
Đã 14 giờ, ông đứng dậy chào tôi, kéo chiếc xe về phía đường Trần Quang Khải. Dúi vào tay ông một ít tiền, chúng tôi mong ông có những bữa ăn thật ấm lòng.
Nhìn dáng ông xiêu vẹo trên đường những người biết ông không ai không khỏi ngậm ngùi...