Ngày 18-4, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên xử phúc thẩm ông Hà Văn Thắm cùng các bị cáo có kháng cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn xin xử vắng mặt
Theo HĐXX, sau phiên xử sơ thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã nhận được 32 đơn kháng cáo của các bị cáo. Tuy nhiên, sau đó có năm bị cáo nguyên là lãnh đạo các chi nhánh OceanBank rút đơn kháng cáo trước khi mở phiên xử phúc thẩm này. Ngoài ra, có bốn bị cáo xin được xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe, trong đó có cựu chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh Phạm Công Danh và chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ Hứa Thị Phấn.
Trong một diễn biến đáng chú ý, HĐXX đã chỉ định hai luật sư bào chữa cho cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm, cựu tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn và ba cựu phó tổng giám đốc OceanBank là Nguyễn Minh Thu, Lê Thị Thu Thủy và Nguyễn Văn Hoàn.
Thẩm phán Ngô Hồng Phúc (chủ tọa phiên tòa) cho biết theo quy định của BLTTHS 2015, các bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt có mức án từ 20 năm tù trở lên bắt buộc phải có luật sư bào chữa. Vì vậy, ngoài việc các bị cáo mời luật sư, tòa vẫn chỉ định các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Việc chấp nhận hay không là quyền của các bị cáo.
Ông Hà Văn Thắm và bốn bị cáo nêu trên đều cám ơn luật sư được chỉ định và cho biết họ đã mời luật sư bào chữa.
Cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm tại phiên tòa. Ảnh: Đ.MINH
Luật sư của ông Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn cũng đề nghị HĐXX xem xét không cần chỉ định luật sư cho hai bị cáo này vì họ và gia đình đã mời luật sư bào chữa. Chưa kể việc một luật sư bào chữa cho một nhóm các bị cáo, nếu có sự xung đột về quyền và lợi ích giữa các bị cáo này thì sẽ không bảo đảm quyền lợi của họ. Chủ tọa phiên tòa giải thích luật sư được tòa chỉ định là những luật sư giàu kinh nghiệm, họ sẽ biết cần làm gì để không vi phạm các quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các bị cáo.
Sẽ để luật sư tranh luận đến cùng với VKS
Theo chủ tọa phiên tòa, HĐXX đã triệu tập khoảng 120 đối tượng, thành phần tham gia phiên tòa, trong đó có nhiều nhân chứng. Tuy nhiên, theo thông báo của thư ký phiên tòa, nhiều nhân chứng được triệu tập đã vắng mặt mà không có lý do.
Đại diện VKSND Tối cao sau đó đề nghị HĐXX nếu các nhân chứng tiếp tục vắng mặt trong quá trình xét xử thì áp dụng mọi biện pháp, kể cả dẫn giải để các nhân chứng này có mặt tại phiên tòa.
Chủ tọa phiên tòa cũng cho hay trong quá trình xét xử, với những trường hợp cần thiết phải triệu tập đến phiên tòa, HĐXX sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để những người này có mặt tại phiên tòa.
Trước việc một số luật sư đề nghị triệu tập thêm đại diện Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương..., HĐXX cho biết tùy thời điểm diễn biến phiên tòa mà HĐXX sẽ có biện pháp nhất định.
HĐXX cho biết phiên tòa dự kiến kéo dài 10-12 ngày. “Phiên tòa ngắn hay dài là do các luật sư quyết định. Trong vụ án này, HĐXX có tham vọng theo hướng chỉ xét hỏi những nội dung thật cần thiết, dành thật nhiều thời gian cho các luật sư tham gia tranh tụng tại phiên tòa. HĐXX rất muốn lắng nghe quan điểm của các luật sư trong phần đối đáp với đại diện VKS. HĐXX không hạn chế thời gian tranh luận, nếu như chưa tranh luận đến cùng” - chủ tọa khẳng định.
HĐXX sau đó đã dành cả buổi chiều để công bố tóm tắt bản án sơ thẩm. Hôm nay (19-4), tòa tiếp tục làm việc với phần xét hỏi liên quan đến tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Quy định liên quan Theo Điều 75 BLTTHS 2015, người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn. Theo Điều 76 BLTTHS 2015, trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ: Bị can, bị cáo về tội mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình. Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi. Theo Điều 77 BLTTHS 2015, những người sau đây có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa: Người bị buộc tội. Người đại diện của người bị buộc tội. Người thân thích của người bị buộc tội. Mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của bộ luật này. |