Ông Lavrov: Mali nhờ công ty an ninh tư nhân Nga giúp đỡ không liên quan Moscow

Trong cuộc họp báo hôm 25-9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Mali đã nhờ một công ty quân sự tư nhân của Nga giúp quốc gia này chống lại quân nổi dậy và chính quyền Moscow không liên quan gì đến việc này.

"Chính quyền Mali đang chống lại chủ nghĩa khủng bố và họ đã chuyển sang một công ty quân sự tư nhân từ Nga. Điều này tình cờ diễn ra cùng thời điểm Pháp cắt giảm đáng kể số lượng binh lính của mình ở đó" - ông Lavrov nói.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nga còn khẳng định rằng chính quyền Moscow không hề liên quan gì đến bất kỳ thỏa thuận nào giữa Wagner và chính phủ Mali.

Bộ Quốc phòng Pháp đã từ chối bình luận về những tuyên bố trên của ông Lavrov, hãng Reuters đưa tin.

Toàn cảnh thành phố Bamako, Mali được chụp vào ngày 9-8-2018. Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, quân đội Mali sắp đạt được thỏa thuận với tập đoàn an ninh Wagner của Nga, nhằm đưa lính đánh thuê thuộc công ty này sang huấn luyện quân đội và đảm bảo an ninh cho các quan chức cấp cao của Mali.

Thỏa thuận này đã gây nên sự phản đối từ chính phủ Pháp, cho rằng việc này "không phù hợp" với sự hiện diện quân sự của Paris ở quốc gia Tây Phi này.

Paris đã bắt đầu định hình lại sứ mệnh quân sự ở Mali, thu nhỏ lực lượng của mình xuống còn 5.000 người để có thể kết hợp với quân đội các nước đồng minh châu Âu bằng cách tái triển khai các căn cứ ở miền bắc Mali.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu tại phiên họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ngày 25-9. Ảnh: REUTERS

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) cùng ngày, Thủ tướng Mali Choguel Maiga cho hay đất nước ông cảm thấy bị bỏ rơi trước động thái của Pháp và thông báo rằng họ đang tìm kiếm sự trợ giúp quân sự khác "để lấp đầy khoảng trống của Pháp ở phía bắc đất nước”.

"Việc Pháp thay đổi chiến dịch quân sự đặt Mali trước sự bỏ rơi, buộc chúng tôi phải tìm kiếm các con đường khác để đảm bảo an ninh đất nước một cách tự chủ hoặc với các đối tác khác tốt hơn" - ông Maiga nói.

Trước đó, vào ngày 24-9, đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU)l Josep Borrell tiết lộ ông đã nói với Ngoại trưởng Lavrov và người đồng cấp từ Mali rằng thỏa thuận với tập đoàn Wagner sẽ là "lằn ranh đỏ" đối với EU "và sẽ gây ra hậu quả đối với sự hợp tác của hai bên".

Ngoại trưởng các nước thành viên EU cũng đã thảo luận về vấn đề này vào ngày 20-9, trong cuộc họp kín bên lề phiên họp thường niên lần thứ 76 của Đại hội đồng LHQ tại TP New York, Mỹ, Reuters cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới