Ông Lê Phước Vũ: Cả thế giới nhập thiết bị từ Trung Quốc

Ông Nguyễn Minh Khoa, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, đánh giá việc đầu tư dự án sẽ đáp ứng nhu cầu gia tăng của thị trường thép Việt Nam và khu vực ASEAN.

Hạn chế tình trạng nhập siêu thép

“Nếu không có sự thay đổi, ngành thép ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu, nhập siêu ngày càng trầm trọng hơn” - ông Khoa nêu quan điểm.

Là người được giao phụ trách dự án, ông Khoa đưa ra một số điểm thuận lợi căn bản: Khu vực cảng Cà Ná có khả năng tiếp nhận các loại tàu có tải trọng 200.000-300.000 DWT. Một phần diện tích đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đất thu hồi chủ yếu là đất nông nghiệp và diêm nghiệp. Bộ Công Thương đã bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, xét đến 2025. Ngoài ra, Thủ tướng đã thị sát và chỉ đạo chấp thuận về mặt chủ trương cho dự án.

Ông Khoa nói: “Chúng tôi không chọn Dung Quất mà chọn Cà Ná. Nhìn xa trông rộng, trong 5-10 năm nữa, Dung Quất chẳng là gì với Cà Ná. Cà Ná là cảng nước sâu, ít có bão, có núi chắn phía sau, có vị trí cách TP.HCM 300 km với trục quốc lộ 1A và đường sắt đi qua”.

Theo lãnh đạo Hoa Sen Group, nếu Formosa mất 1,2 tỉ USD làm cảng thì tại Cà Ná, chính quyền đã bỏ tiền làm đê chắn sóng, với ưu thế địa hình thuận lợi, cảng có công suất hơn 50.000 tấn, chỉ cần đầu tư vào khoảng 400 triệu USD, cảng không bồi lắng nên không tốn tiền nạo vét hằng năm hàng chục triệu USD.

Biển Cà Ná, nguồn: baibiendep.com

Kinh doanh thép có lãi, ngu gì không làm!

Nhiều ý kiến cổ đông băn khoăn về công nghệ, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, giải thích: “Có rất nhiều tổ hợp thép trên thế giới được xây dựng ở các TP lớn, chỉ xảy ra sự cố môi trường Formosa thì chúng ta mới sợ. Formosa sử dụng công nghệ luyện cốc thu hồi chất nên mới tạo ra xyanua và phenol rồi tống ra biển. Chúng tôi không sử dụng công nghệ như Formosa mà sẽ tiến hành đưa vào lò kín và bơm nitơ làm mát, thu hồi nhiệt để phát điện. Thậm chí khi áp dụng công nghệ này sẽ còn có thêm nguồn thu hàng triệu USD từ bán điện”. Ông Vũ cũng cho biết trong thời gian đầu sẽ nhập cốc chứ không luyện, chỉ luyện khi đã kiểm tra thẩm định kỹ và bảo đảm an toàn.

Ông Vũ cũng thừa nhận thực tế đã sản xuất công nghiệp thì sẽ không tránh khỏi ô nhiễm và khí thải nhưng với công nghệ hiện đại sẽ xử lý được. Vấn đề cốt yếu là giải pháp công nghệ. “Chúng ta sẽ dùng công nghệ Trung Quốc hay châu Âu, tôi sẽ trả lời sau nhưng tôi xin nói một thực tế các tổ hợp thép lớn trên thế giới như  Ấn Độ, Mỹ, Nhật, Đức,… đều nhập máy móc, thiết bị từ Trung Quốc” - ông Vũ nói.

Ông Vũ cho rằng: “Nếu chúng ta ký với đối tác châu Âu hay Trung Quốc thì các thiết bị chế tạo vẫn xuất phát từ Trung Quốc. Thiết bị của họ quá nhiều, quá rẻ. Trong khi đó, các thiết bị chế tạo từ châu Âu có giá đắt gấp 2-3 lần và nếu làm vậy không thể có lời, thậm chí thua lỗ!”.

Tuy nhiên, ông Vũ cũng trấn an cổ đông rằng: “Nói là thiết bị nhập từ Trung Quốc nhưng cũng có ba, bảy loại, có cái xịn, có cái vừa vừa. Hoa Sen sẽ sử dụng công nghệ tốt hơn Formosa, kể cả phải bỏ ra chi phí cao, tôi sẽ thuê tư vấn của Mỹ theo sát suốt dự án để giám sát một cách cẩn trọng. Quý vừa rồi, Tập đoàn Hòa Phát lãi 2.000 tỉ đồng, trong đó lãi từ thép chiếm 80%, ngu gì không theo”.

Tại cuộc họp, phía Hoa Sen cũng đã quyết định lựa chọn Tập đoàn Global Metal Consulting (GMC), đến từ Mỹ để tư vấn, thiết kế cho dự án. Chia sẻ về câu chuyện môi trường của dự án thép, ông Heyno Micheal Smith, chuyên gia cao cấp của GMC, cho rằng các khu liên hợp luyện cán thép đều đi kèm với rủi ro về môi trường. Để tránh được rủi ro này cần đến năm yếu tố: quyết tâm của nhà đầu tư, công nghệ xử lý môi trường hiện đại, sự giám sát của các cơ quan liên quan và cộng đồng, sự minh bạch trong các báo cáo nghiên cứu và đánh giá tác động môi trường.

Nhiều cổ đông đã chất vấn chuyện thiếu nước ở Ninh Thuận sẽ ảnh hưởng đến dự án, ông Lê Phước Vũ cho hay chủ đầu tư sẽ dùng công nghệ lọc nước biển để phục vụ sản xuất. Công nghệ này không mới lạ ở Việt Nam, hiện tại đã có một doanh nghiệp ở Dung Quất chuyên sản xuất thiết bị lọc nước biển xuất khẩu. Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận cũng đã cam kết cung cấp nước cho dự án và hiện đường nước đã được kéo đến dự án.

Ông Trần Ngọc Chu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã ký thỏa thuận cam kết cho vay 500 triệu USD làm dự án. Hoa Sen không có ý định phát hành thêm cổ phiếu hoặc trái phiếu để thu hút vốn. Trong vòng 10 năm tới, dự kiến vốn điều lệ của Hoa Sen sẽ tăng lên 10.000 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới