Đại hội đã biểu quyết 100% thống nhất thông qua chủ trương triển khai đầu tư dự án thép Cà Ná; đồng thời chọn Tập đoàn GMC của Mỹ là đơn vị tư vấn, thiết kế cho dự án.
Theo báo cáo đầu tư được trình bày trong đại hội, Phân kỳ I.1 của dự án có vốn đầu tư khoảng 14.000 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng khoảng 11.150 tỉ đồng và 2.700 tỉ đồng vốn lưu động. Trong đó dự kiến, vốn tự có của Hoa Sen sẽ chiếm 18% tổng vốn đầu tư, tương ứng 2.500 tỉ đồng; còn lại là vốn vay ngắn hạn và trung hạn.
Phân kỳ I.1 của dự án dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 7-2018, dự tính đến năm 2020 sẽ hoạt động với 100% công suất, mang về doanh thu 14.250 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 ước đạt gần 1.000 tỉ đồng và sẽ tăng dần hằng năm.
Trước đó, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận diễn ra ngày 27-8, Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) đã ký kết thỏa thuận cấp tín dụng cho dự án thép Cà Ná. Trong đó, VietinBank cam kết tài trợ vốn cho dự án, ưu tiên cấp tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn, trung dài hạn, tài trợ thương mại và là đầu mối thu xếp vốn cho dự án thông qua các sản phẩm tín dụng ưu đãi.
Theo lãnh đạo tập đoàn này cho biết việc đầu tư dự án sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường thép Việt Nam và khu vực ASEAN. Hiện tại, năng lực sản xuất và tiêu thụ thép của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với thế giới, do đó sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.
Tuy nhiên, việc khởi công dự án thép Hoa Sen - Cà Ná với công suất tương đương 80% Fomorsa, trong khi hậu quả từ vụ ô nhiễm nghiêm trọng này chưa giải quyết xong cũng khiến dư luận đặt ra nhiều lo lắng. Trả lời về vấn đề này, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen, cho biết:” Sẽ không để một giọt nước thải nào chảy ra biển”. Ông Vũ nói nếu xảy ra ô nhiễm sẽ đóng cửa nhà máy, giao tài sản cho Nhà nước còn bản thân ông sẽ chịu mọi trách nhiệm.