Người phát ngôn khẳng định sự vụ của Hong Kong thuộc về nội chính Trung Quốc và nước ngoài không có quyền can thiệp.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố Anh rất quan tâm tin tức liên quan đến Hong Kong và đang cùng nhà đương cục hữu quan điều tra người mất tích có thể đang giữ hộ chiếu của Anh.
Lý Ba là cổ đông và chủ tiệm sách vịnh Đồng La ở Hong Kong, đã mất tích từ hôm 30-12-2015. Đây là người thứ năm của tiệm sách mất tích. Có nghi vấn họ bị phía Trung Quốc đại lục câu lưu vì tiệm sách xuất bản sách cấm.
Báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Hoa đưa tin cảnh sát đã xác nhận chiều 4-1, vợ của Lý Ba đã đến Sở Cảnh sát Bắc Giác đề nghị hủy án. Tối cùng ngày, báo chí Hong Kong đã đăng bức fax của Lý Ba.
Biểu tình ở Hong Kong đề nghị tìm kiếm ông Lý Ba ngày 3-1. Ảnh: AP
Theo nhân viên họ Trần của tiệm sách, nội dung thư như sau: “Anh Trần, tôi vì gấp xử lý vấn đề có liên quan, không thể để bên ngoài biết nên đã dùng cách riêng trở về trong nước, phối hợp phía liên quan điều tra, có thể mất một thời gian. Tiệm sách nhờ anh cứ tiếp tục kinh doanh theo hợp đồng, việc chi tiền có thể liên lạc với vợ tôi hoặc do anh tạm ứng, chờ tôi về rồi cùng kiểm tra cũng được. Hiện giờ tình hình tôi rất tốt. Mọi việc bình thường. Việc trong tiệm sách làm phiền anh phải bận tâm hơn. Vô cùng cám ơn! Lý Ba, ngày 3-1-2016”.
Luật sư Hà Tuấn Nhân hoài nghi người giam giữ Lý Ba đã ép ông Lý viết bức fax và yêu cầu vợ Lý đến cảnh sát hủy án. Nghị viên Lý Trác Nhân nhận xét bức fax hiển thị gián tiếp Lý Ba đang chấp nhận điều tra ở Trung Quốc, vậy chính quyền Hong Kong nên điều tra ông Lý bị dẫn về Trung Quốc như thế nào.
Trang zaobao.sg (Singapore) đưa tin trước Lý Ba, bốn người của tiệm sách vịnh Đồng La không phải mất tích từ Hong Kong mà là mất liên lạc ở Thái Lan, Thâm Quyến và Đông Quản (Trung Quốc), vì thế gây chấn động ở Hong Kong không bằng vụ Lý Ba.