Ông Macron kêu gọi Bắc Kinh giúp chấm dứt xung đột Ukraine, nối lại quan hệ hợp tác EU-Trung Quốc

(PLO)- Trong chuyến công du 3 ngày đến Bắc Kinh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thảo luận về các giải pháp chính trị nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine bên cạnh việc nối lại quan hệ đối tác về kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm, bàn về các giải pháp chính trị nhằm giải quyết khủng hoảng ở Ukraine cũng như nối lại đàm phán về kinh tế.

Cuộc gặp diễn ra tại Bắc Kinh, trong khuôn khổ chuyến công du 3 ngày của ông Macron đến TQ, theo South China Morning Post.

Cuộc gặp còn có sự tham gia của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EU) - bà Ursula von der Leyen.

Mở đầu cuộc gặp, ông Macron nói rằng phương Tây muốn thúc đẩy Bắc Kinh tìm kiếm biện pháp giúp chấm dứt khủng hoảng và ngăn chặn căng thẳng “chồng chéo”' có thể chia rẽ các cường quốc toàn cầu thành "các khối tham chiến".

"Tôi biết tôi có thể tin tưởng quý vị trong việc giúp nước Nga tỉnh táo và đưa Nga-Ukraine trở lại bàn đàm phán” - ông Macron nói với ông Tập.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron duyệt binh trong buổi lễ chính thức tại Đại lễ đường Nhân dân (Bắc Kinh, TQ) ngày 6-4. Ảnh: REUTERS

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron duyệt binh trong buổi lễ chính thức tại Đại lễ đường Nhân dân (Bắc Kinh, TQ) ngày 6-4. Ảnh: REUTERS

Cả ông Macron và bà von der Leyen đều nói rằng họ muốn thuyết phục TQ tận dụng mối quan hệ đồng minh với Nga để đem lại hoà bình cho Ukraine, hoặc ít nhất là ngăn chặn Bắc Kinh trực tiếp hỗ trợ Nga trong chiến sự ở Ukraine.

Ông Macron cũng hy vọng ông Tập có thể “gây áp lực” buộc Nga phải tuân thủ các quy tắc quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ông viện dẫn động thái của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc tuyên bố bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus - nước láng giềng của Ukraine.

Chủ tịch TQ khẳng định tất cả các nước nên tôn trọng các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân và "không nên tiến hành chiến tranh hạt nhân". Đồng thời, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế "kiềm chế mọi hành động có thể khiến cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát".

Ông Tập cho biết ông rất hy vọng Nga và Ukraine có thể nối lại đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt.

Bên cạnh việc thúc đẩy hòa bình ở Ukraine, ông Macron cho biết ông muốn “khởi động lại quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu với TQ”, với mục tiêu thúc đẩy liên kết thương mại của Pháp với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo tờ The Guardian.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái), Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen ở Đại lễ đường Nhân dân ngày 6-4. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái), Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen ở Đại lễ đường Nhân dân ngày 6-4. Ảnh: REUTERS

Truyền thông nhà nước CCTV dẫn lời ông Tập cho biết TQ và Pháp có khả năng và trách nhiệm “vượt qua khác biệt và hạn chế” để khởi động lại “các trao đổi ở mọi cấp độ”.

Ông Lý Cường - Thủ tướng TQ trong cuộc gặp mặt trước đó cho biết quan hệ đối tác giữa ba bên TQ, Pháp và EU đang “ở điểm khởi đầu mới” và ba bên nên “tuân thủ sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi”.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng muốn EU đảm bảo “không tuân theo sự lãnh đạo của Mỹ trong việc ngăn chặn TQ trỗi dậy”.

Trước chuyến thăm, bà von der Leyen cho biết châu Âu phải "giảm rủi ro" về mặt ngoại giao và kinh tế với một TQ “cứng rắn”, đồng thời bác bỏ luận điệu "vòng xoáy căng thẳng không thể tránh khỏi" giữa TQ và phương Tây mà nhiều người đã nói trước đó.

Chuyến thăm TQ của các nhà lãnh đạo EU diễn ra sau nhiều năm quan hệ EU-TQ trở nên xấu đi do vấn đề Tân Cương, hiệp ước đầu tư 2021 bị đình trệ và việc Bắc Kinh từ chối lên án Moscow trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm