Ứng viên tổng thống Pháp hàng đầu Emmanuel Marcon đang rất tự tin mình sẽ chiến thắng chung cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Ngày 5-5, ông cho biết mình đã chọn sẵn vị trí thủ tướng cho chính phủ.
Nói với đài phát thanh Pháp RTL, ông Marcon cho biết nhân vật được ông lựa chọn “có kinh nghiệm chính trường, có khả năng tạo ảnh hưởng lên Quốc hội và lèo lái một chính phủ mới sẽ gồm cả nam giới và phụ nữ”.
Tuy nhiên, theo ông Marcon thì đây mới chỉ là ý định trong đầu ông, nhân vật được lựa chọn chưa được thông báo, và ông chỉ tiết lộ danh tính sau khi nhậm chức.
“Nếu thắng cử, tuần tới tôi sẽ bắt tay vào thành lập chính phủ. Thành viên chính phủ mới sẽ được thông báo sau thời điểm chuyển giao quyền lực” , ông Marcon nói.
Ứng viên tổng thống Pháp hàng đầu Emmanuel Marcon (giữa) cùng người ủng hộ trong ngày vận động cuối ở tỉnh Rodez (Pháp) 5-5. Ảnh: REUTERS
Ông Marcon thuộc phong trào chính trị En Marche! (tạm dịch: Hướng về phía trước!) dẫn trước ứng viên thuộc đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc Marine Le Pen trong cuộc bỏ phiếu vòng một. Vòng hai bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào ngày 7-5 tới.
Các cuộc thăm dò ngày 5-5 đều cho thấy khoảng cách giữa ông Marcon và bà Le Pen càng xa, cho thấy khả năng đảo ngược của bà Le Pen ngày càng thấp.
Bốn cuộc thăm dò đều nhận định ông Marcon sẽ được 62% phiếu bầu trong vòng bỏ phiếu thứ hai, bà Le Pen chỉ được 38% phiếu bầu. Các tổ chức thăm dò đều nhận định ông Marcon thắng bà Le Pen trong cuộc tranh luận trên truyền hình ngày 3-5, và chiến thắng này đã giúp ông kéo xa thêm khoảng cách với bà Le Pen.
Người ủng hộ khoe hình ảnh chụp chung với ông Marcon khi ông vận động ngày cuối tại tỉnh Rodez (Pháp) ngày 5-5. Ảnh: REUTERS
Cuộc bầu cử tổng thống lần này được xem là cuộc bầu cử quan trọng nhất nước Pháp trong hàng thập kỷ, hai ứng viên với hai quan điểm hoàn toàn trái ngược về châu Âu và về vị trí của Pháp trên trường thế giới.
Chủ trương của bà Le Pen là đóng cửa biên giới, bỏ đồng tiền chung châu Âu euro. Trong khi đó ông Marcon muốn thắt chặt hơn nữa hợp tác với châu Âu và duy trì cởi mở kinh tế.