Ông Mattis muốn ông Biden bỏ chiến lược ‘Nước Mỹ trên hết’

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vừa lên tiếng rằng ông hy vọng ông Joe Biden sẽ gạt bỏ cụm từ "Nước Mỹ trên hết" ra khỏi chiến lược an ninh quốc gia của chính phủ sắp tới của ông.

Ông Mattis là Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Ý kiến này được cựu Bộ trưởng Mattis đề cập trong một bài viết cùng thực hiện với ông Kori Schake - Giám đốc nghiên cứu các chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Kinh doanh Mỹ và ông Jim Ellis - nhà nghiên cứu tại Viện chính sách công Hoover (Mỹ) cùng cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ Joe Felter đăng trên tạp chí Foreign Affairs. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thời còn làm việc chung. Ảnh: NBC NEWS

Foreign Affairs là tạp chí chuyên về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Mỹ được tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái Hội đồng Quan hệ Đối ngoại xuất bản.  

 'Nước Mỹ trước hết' là 'Nước Mỹ cô đơn'

"Vào tháng 1 (năm 2021), khi Tổng thống Joe Biden và đội ngũ an ninh quốc gia của ông ấy bắt đầu đánh giá lại chính sách đối ngoại của Mỹ, chúng tôi hy vọng họ sẽ nhanh chóng điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia theo hướng loại trừ cụm từ "Nước Mỹ trên hết" ra khỏi nội dung, khôi phục vị trí của Mỹ trong cam kết hợp tác an ninh vốn đã phục vụ rất tốt quyền lợi của Mỹ trong hàng thập niên qua" - đài NCB News trích dẫn bài viết.

"Chiến lược tốt nhất để bảo đảm an toàn và thịnh vượng là củng cố sức mạnh quân sự của Mỹ cùng với tăng cường các công cụ dân sự và khôi phục mạng lưới đồng minh vững chắc - những điều cần thiết để đạt được khả năng phòng thủ sâu rộng" - theo bài viết.

Bốn tác giả cũng cho rằng Mỹ hiện "đang hủy hoại các nền tảng của một trật tự thế giới rõ ràng có ích cho quyền lợi của Mỹ, phản chiếu sự thiếu hiểu biết cơ bản rằng cả sự phát triển lành mạnh của các liên minh và các thể chế quốc tế mang lại sự sâu sắc mang tính chiến lược và sống còn".

"Về lý thuyết, 'Nước Mỹ trước hết' có nghĩa là 'Nước Mỹ cô đơn'. Điều này làm tổn hại khả năng của nước Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề trước khi nó tràn đến lãnh thổ Mỹ và vì thế làm tăng thêm sự nguy hiểm của các mối đe dọa nổi lên" - bốn tác giả viết.

Theo họ, việc ủng hộ cách tiếp cận của chính phủ ông Trump "dường như bắt nguồn từ niềm tin rằng các nước khác sẽ không có lựa chọn nào khác là phải làm theo các mong muốn của Mỹ và hợp tác với Mỹ theo cách Mỹ muốn".

"Đây là ảo giác. Các quốc gia có chủ quyền luôn luôn có các lựa chọn: thỏa hiệp với các kẻ gây hấn, có hành động chống lại quyền lợi của Mỹ, không hỗ trợ khi Mỹ cần, hoặc hợp tác với một nước khác về những hành động mà Mỹ đã bị loại trừ" - theo bài viết.

Bốn tác giả thêm rằng "nghĩ cách khác thì hậu quả của những việc này là giúp cho các kẻ thù mạnh hơn cũng như thử sức mạnh các cam kết của Mỹ".

Theo bốn tác giả, chuyện không phải là Mỹ đủ mạnh để tự bảo vệ mình hay không, mà hợp tác với các nước có cùng suy nghĩ với mình để duy trì một trật tự quốc tế về an ninh và thịnh vượng chung là cách tiết kiệm chi phí hiệu quả.
 

Cựu Bộ trưởng Mattis và các đồng tác giả cũng không đồng ý việc “loại trừ sự tham gia của Mỹ ở Afghanistan, Iraq và những nơi khác với các cụm từ ‘các cuộc chiến không hồi kết’ hay ‘các cuộc chiến mãi mãi’".

"Chuyện xây dựng năng lực của các chính phủ này trong đối phó các đe dọa vốn làm người Mỹ quan ngại là nằm trong quyền lợi của Mỹ, chuyện này không phải nhanh hay dài lâu mà là một sự đầu tư để có được sự bảo đảm an ninh lớn hơn và quan hệ mạnh hơn cũng như chuẩn bị cho Mỹ khả năng tự mình đối phó các đe dọa" - theo các tác giả.

Bốn tác giả cũng đồng ý rằng các đồng minh cũng là một phần phụ hỗ trợ "sức mạnh quân sự" của Mỹ.

Đe dọa chủ yếu của Mỹ là Trung Quốc

Các tác giả cũng cảnh báo rằng "đe dọa nội tại chủ yếu Mỹ đối mặt ngày nay là một Trung Quốc hung hăng và theo chủ nghĩa xét lại - nước thách thức duy nhất có thể tiềm tàng nguy cơ hủy hoại cách sống của người Mỹ".

"Tuy nhiên, mục tiêu của Mỹ không nên chỉ nhằm ngăn chặn các cuộc chiến  mà phải tìm kiếm hòa bình và hợp tác giữa các sức mạnh lớn nhằm thúc đẩy các quyền lợi chung. Với điều này thì các liên minh và đối tác của Mỹ đặc biệt mang tính quyết định" - theo các tác giả.

"Đặc biệt quan trọng là Mỹ không được làm áp lực buộc các nước phải chọn lựa rõ ràng giữa hai cường quốc. Cách tiếp cận 'chọn chúng tôi hay chống chúng tôi' là làm lợi cho Trung Quốc vì sự thịnh vượng kinh tế của các đồng minh và đối tác Mỹ phụ thuộc vào các quan hệ thương mại và đầu tư mạnh với Bắc Kinh" - bốn tác giả cũng cảnh báo.

Thay vào đó cựu Bộ trưởng Mattis và ba đồng tác giả đề nghị nhấn mạnh "các quy tắc hành xử chung và khuyến khích các nước công bố công khai một tầm nhìn về tương lai chủ quyền của họ và các dạng đối tác họ cần để theo đuổi mục tiêu đó".

Ông James Mattis là Đại tướng Thủy quân lục chiến Mỹ nghỉ hưu. Ông từng là Tư lệnh thứ 11 của Bộ Tư lệnh Mỹ đặc trách miền Trung (hay còn gọi là Bộ Tư lệnh Tác chiến Thống nhất, chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông, đông bắc châu Phi, Trung Á). Ông cũng chỉ huy Bộ tư lệnh các lực lượng chung của Mỹ kiêm Tư lệnh NATO.

Ông Mattis được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 1-2017. Dưới thời ông Trump, ông Mattis theo chủ trương tăng cường hợp tác với các đồng minh, phản đối hợp tác với các nước đối thủ (như Nga) về quân sự, phản đối chuyện rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, khuyên ông Trump bỏ ý tưởng ám sát Tổng thống Syria Barshar al-Assad.

Ông từ chức đầu năm 2019 sau khi không thuyết phục được ông Trump không rút quân khỏi Syria.

Thời điểm nước Mỹ oằn mình trong biểu tình sau vụ người da màu George Floyd's bị một cảnh sát da trắng dùng gối ghè cổ đến chết, ông Mattis công khai chỉ trích ông Trump là "tổng thống đầu tiên trong suốt cuộc đời tôi đã không cố gắng thống nhất người dân Mỹ, thậm chí không giả bộ tỏ ra cố gắng làm điều đó, thay vào đó ông ấy cố gắng chia rẽ chúng ta".

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm