Ông Nguyễn Thành Phong: ‘Tôi không lo lắng gì cả’

Sáng 11-12, ngay sau phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã dành cho báo giới ít phút ngắn ngủi để trao đổi về những cảm xúc, dự định và kế hoạch sắp tới trên cương vị mới. Pháp Luật TP.HCM ghi lại cuộc phỏng vấn này.


Tân Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong  trả lời phỏng vấn của báo chí - Ảnh: HOÀNG GIANG

Quyết tâm xử lý những vấn đề dân bức xúc

. Phóng viên: Kỳ họp này, các đại biểu và cử tri TP còn có những trăn trở và băn khoăn về một số vấn đề dân sinh như ngập nước, kẹt xe, nước sạch… Sắp tới, UBND TP sẽ có những hành động cấp bách như thế nào để tạo một sự chuyển biến và giải quyết căn cơ bản những vấn đề lâu nay vốn là điểm khó của TP.HCM?

+ Ông Nguyễn Thành Phong: Tôi rất trăn trở khi đánh giá việc thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ vừa qua có những vấn đề thấy rằng cần có những giải pháp có hiệu quả hơn, những giải pháp mang tính chất đột phá hơn để giải quyết bức xúc của người dân TP đang đặt ra. Đó là vấn đề ngập nước, vấn đề tai nạn giao thông, kẹt xe, ô nhiễm môi trường... 

Có thể nói rằng cái quyết liệt hiện nay đối với UBND TP là phải có kế hoạch cụ thể và có giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện bảy chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP đã đề ra. Trong bảy chương trình đó thì chương trình về chỉnh trang và phát triển đô thị được ưu tiên hàng đầu. Kế đến là những chương trình tác động trực tiếp đến đời sống người dân hiện nay, đến chất lượng cuộc sống người dân như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông... Tôi nghĩ rằng đó là một sự quyết tâm của UBND TP sắp tới làm sao có giải pháp cụ thể và quyết liệt để triển khai thực hiện.

Xin ông cho biết cảm xúc của ông bây giờ như thế nào khi nhận nhiệm vụ mới. Thứ hai là vấn đề nào được ông ưu tiên giải quyết trong nhiệm  kỳ mới mang tính chất quan trọng của TP? Điều gì ông lo lắng nhất khi nắm giữ chức vụ chủ tịch UBND TP?

+Tôi cảm thấy tự hào, vinh dự nhưng cũng thấy hết được những trách nhiệm nặng nề của người đứng đầu chính quyền TP, của một đô thị lớn với số dân trên 10 triệu dân và là một trung tâm kinh tế - văn hóa - khoa học công nghệ của cả nước. Cảm giác của tôi bây giờ là trên cơ sở vinh dự như vậy, thì cố gắng làm sao thực hiện hoàn thành tốt nhất trách nhiệm mà Đảng bộ và nhân dân TP đã giao cho với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước của TP. Tất nhiên bên cạnh đó rất mong có sự hợp tác của các đồng chí trong Thường trực Ủy ban và sự lãnh đạo thường xuyên của Ban Thường vụ Thành ủy, cũng không quên sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan truyền thông.

Còn ưu tiên giải quyết vấn đề gì, xin thưa bảy chương trình đột phá là vấn đề tôi quan tâm hàng đầu. Bởi vì mục tiêu để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân TP.

Còn lo lắng, tôi không lo lắng gì cả bởi vì bên cạnh tôi có tập thể Ban Thường vụ Thành ủy, có tập thể Thường trực Ủy ban, có các đồng chí lãnh đạo của các sở ban ngành, đoàn thể luôn luôn chia sẻ với tôi vì nhiệm vụ chung là phát triển TP này ngày càng văn minh - hiện đại - nghĩa tình.

Tiếp tục kiến nghị với Trung ương những cơ chế đột phá cho TP.HCM

. Ông tiếp nhận cương vị chủ tịch UBND TP ở một nhiệm kỳ mà có nhiều kiến nghị đến Trung ương về tạo cơ chế riêng cho TP phát triển, có những kiến nghị đã được Trung ương đồng ý, có những kiến nghị chưa được đồng ý. Vậy trong nhiệm kỳ mới này trên cương vị mình sẽ có những biện pháp gì và có tiếp đeo đuổi như thế nào những kiến nghị về cơ chế của TP?

Trong phương hướng sắp tới, yêu cầu là phải nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu hội nhập, sớm đưa TP.HCM trở thành một trung tâm lớn của khu vực Đông Nam Á.

Thời gian qua, chúng ta đã có những nỗ lực rất lớn nhằm đạt được những cơ chế để làm sao tạo những bứt phá cho TP phát triển. Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan tâm hiện nay là vừa qua chúng ta đã có đề xuất với Trung ương về chính quyền đô thị nhưng chưa được Trung ương chấp nhận, TP sẽ tiếp tục kiên trì vấn đề này, đề xuất với Trung ương để có cơ chế làm sao phát huy đội ngũ quản lý và có cơ chế quản lý để tạo điều kiện thúc đẩy TP phát triển.

Bên cạnh đó, trong yêu cầu xây dựng vùng kinh tế TP.HCM tôi cho rằng vấn đề liên kết vùng là vấn đề hết sức đáng quan tâm để làm sao những địa phương lân cận phải phát huy được nguồn lực kết nối với những địa phương khác, xem đây là điều kiện để mở rộng và tối ưu hóa nguồn lực, tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh của TP. Trong thực tiễn quản lý của TP cho chúng ta thấy là sức cạnh tranh TP chỉ có thể vươn tốt hơn, xa hơn nếu chúng ta biết phát huy nguồn lực của những địa phương lân cận bằng một chương trình liên kết theo cơ chế tác động lẫn nhau để thúc đẩy nhau cùng phát triển.

Quan sát sự phát triển của TP trong những năm vừa qua tôi thấy chuyển  dịch cơ cấu kinh tế của TP đang đi rất đúng hướng, tức công - nông nghiệp giảm dần tỉ trọng nhưng dịch vụ ngày càng phát triển. Hiện nay dịch vụ chiếm khoảng 59,9%, công nghiệp chiếm 39% và nông nghiệp chiếm gần 1%. Tôi cho rằng lợi thế lớn nhất của TP.HCM là trung tâm cung cấp dịch vụ và tạo ra những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Cho nên việc tạo ra những điều kiện, cơ chế làm sao phát triển lợi thế này, sắp tới lãnh đạo TP phải quan tâm và tìm những giải pháp để khơi dậy lợi thế này - một trung tâm dịch vụ của khu vực, không phải mang tầm quốc gia mà mang tầm khu vực Đông Nam Á.

Tiếp nữa, đòi hỏi về năng lực quản lý của bộ máy của đội ngũ để làm sao đáp ứng được yêu cầu phát triển vì suy cho cùng muốn thực hiện mục tiêu của khu vực như Đại hội Đảng bộ TP X đề ra thì chúng tôi cho rằng phải có một đội ngũ quản lý, năng lực quản trị tốt.

Còn vấn đề nữa, tôi xin chia sẻ, TP.HCM là một địa phương mà tinh thần khởi nghiệp và cái sự chịu đựng rủi ro là rất cao nên phải tạo ra những cơ chế khuyến khích để mở ra một môi trường phát triển các nhà doanh nghiệp - những nhà DN có thể khẳng định thương hiệu trên thương trường quốc tế. Tôi cho rằng nếu có một cơ chế thích hợp tạo ra một môi trương thuận lợi thì đó là một mảnh đất màu mỡ để thúc đẩy cho các DN phát triển và tạo ra được những giá trị mới, giá trị gia tăng ngày càng cao.

TP có biện pháp cơ chế gì, cách thức gì để thúc đẩy những người trẻ đóng góp cho TP nhiều hơn nữa?

+ Làm gì thúc đẩy người trẻ phát triển, có thể nói thời gian vừa qua đội ngũ nhân lực trẻ của TP chất lượng cao ngày càng phát triển. Tôi cho rằng cần tiếp tục mở ra những điều kiện môi trường thúc đẩy những người trẻ phát triển, đặc biệt đối với đội ngũ trí thức trẻ hiện nay. Trong Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc vừa rồi, có một em rất trẻ là GS-TS rất có tâm huyết và tôi mong TP chúng ta sẽ có những người trẻ như vậy để góp phần thực hiện mục tiêu năm năm tới.

. Các lãnh đạo thường kỳ vọng vào con cái của mình, nhiều em được sắp xếp vào những vị trí để tham gia chính trị. Tuy nhiên, con trai của ông thì không tham gia chính trị mà theo ngành thiết kế, đó là điều khá lạ, ông có thể chia sẻ về điều này?

+ Con trai đầu tôi đang là cán bộ phòng kinh doanh của một tờ báo. Trước đây cháu học ngành thiết kế đồ họa. Tôi tôn trọng hoàn toàn sự chọn lựa ngành nghề của con, miễn sao đáp ứng tốt nhu cầu và đóng góp vào sự phát triển TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới