Đại sứ Phạm Sanh Châu là một trong chín ứng cử viên tham gia trình bày và trả lời phỏng vấn đề tranh cử cho vị trí tổng giám đốc UNESCO. Ông là người thứ sáu bước vào cuộc thi và là ứng cử viên trả lời phỏng vấn đầu tiên của ngày làm việc thứ hai (27-4).
Đại sứ Phạm Sanh Châu trình bày về tầm nhìn của mình cho UNESCO. (Ảnh chụp từ clip)
Năm ứng cử viên gồm bà Moushira Khattab (Ai Cập), ông Juan Alfonso Fuentes Soria (Guatemala), ông Qian Tang (Trung Quốc), ông Saleh Al-Hasnawi (Iraq), bà Audrey Azoulay (Pháp) đã hoàn thành phần phỏng vấn của mình trong ngày làm việc thứ nhất (26-4).
Đại sứ Phạm Sanh Châu cùng các ứng cử viên và các đại sứ.
Đại diện nhóm các nước Đông Âu (Serbia) là người đầu tiên đặt câu hỏi cho ứng cử viên Việt Nam, tiếp theo là các nước thuộc nhóm Mỹ Latin, châu Á Thái Bình Dương, châu Phi, Trung Đông và Tây Âu. Sau đó, phần trả lời phỏng vấn được mở rộng cho mọi thành viên tham dự đặt thêm câu hỏi. Cuộc phỏng vấn cho mỗi ứng cử viên kéo dài 90 phút và được truyền trực tiếp qua cổng thông tin của UNESCO.
Đại sứ Phạm Sanh Châu lắng nghe câu hỏi của các nhóm. (Ảnh chụp từ clip)
Mở đầu buổi phỏng vấn, Đại sứ Phạm Sanh Châu cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn ông làm đại diện ra tranh cử tổng giám đốc UNESCO, khẳng định đây là niềm vinh dự lớn đối với bản thân ông. Đến với cuộc thi, ông Châu nhấn mạnh tầm nhìn của mình là một “UNESCO mạnh mẽ hơn vì hòa bình và phát triển bền vững trong một thế giới biến động”.
Đại sứ Phạm Sanh Châu trả lời câu hỏi của các nhóm. (Ảnh chụp từ clip)
Ông nhấn mạnh UNESCO cần phải đặt hòa bình và phát triển bền vững làm tâm điểm của mọi cuộc tranh luận và chương trình nghị sự. Ông cũng cho rằng UNESCO cần đẩy mạnh cải cách để làm việc hiệu quả và đặc biệt là cần phải thay đổi cách tiếp cận, cách truyền thông.
Đại diện của Iran đặt câu hỏi cho Đại sứ Phạm Sanh Châu. (Ảnh chụp từ clip)
Sau phần thuyết trình gần 10 phút, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã nhận được nhiều câu hỏi từ đại đại diện các nhóm về nhiều vấn đề toàn cầu như: Sự mất cân bằng của thế giới, bảo tồn và thúc đẩy di sản văn hóa châu Phi, giải quyết bất bình đẳng giới qua giáo dục.
Đại sứ Phạm Sanh Châu bắt tay với chủ tọa phiên phỏng vấn sau khi hoàn thành phần thi của mình. (Ảnh chụp từ clip)
Đại diện các nhóm cũng đặt câu hỏi chất vấn Đại sứ Phạm Sanh Châu về cách giải quyết các vấn đề về tổ chức của UNESCO như: Mối quan hệ giữa ba ban quản trị UNESCO, các chương trình cải cách, quan hệ với tổ chức xã hội dân sự và những cam kết của ông Châu nếu được bầu làm tổng giám đốc UNESCO.