Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Sanh Châu vừa báo tin từ Trụ sở Liên Hợp Quốc tại nước CHDC Liên bang Ethiopia cho hay vào lúc 17 giờ 15 (giờ địa phương) hôm nay, di sản "Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của Người Việt" được ghi danh là Di sản Phi Vật thể Đại diện của Nhân loại.
Ông Phạm Sanh Châu (hàng đầu, chính giữa) và đoàn Việt Nam tại Trụ sở Liên Hợp Quốc tại nước CHDC Liên bang Ethiopia. Ảnh: FB Ông Phạm Sanh Châu
Theo ông Phạm Sanh Châu, đây là lần đầu tiên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (viết tắt UNESCO) vinh danh Người phụ nữ Việt nam qua hình ảnh của Thánh Mẫu.
Hồ sơ của Việt Nam được viết với chất lượng cao và là 1 trong 18 hồ sơ được Unesco thông qua mà không cần thảo luận.
Ông Phạm Sanh Châu cho biết thêm có 19 hồ sơ khác tranh luận quyết liệt, kể cả di sản Yoga của Ấn độ. Cùng đợt vinh danh này có cách sản xuất 1.500 loại Bia của Bỉ, điệu nhảy Rumba của Cuba và săn mồi bằng chim ưng của 18 nước đồng trình.
"Hy vọng một ngày Tết cổ truyền của Việt nam được công nhận", ông Phạm Sanh Châu chia sẻ thêm trên trang Facebook cá nhân.
Hầu đồng. Ảnh: NGUYỄN Á/TUỔI TRẺ
Như vậy tính đến nay, "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" đã là di sản thứ 9 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tám Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại khác ở Việt Nam bao gồm Nghi lễ Kéo co, Nhã nhạc Cung đình Huế, Hội Gióng, Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca Tài tử Nam Bộ, Dân ca ví-giặm Nghệ Tĩnh...
Hình tượng người Phụ nữ Việt Nam Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã được Việt Nam đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013. Ngày 28-3 năm ngoái, Việt Nam đã gửi hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” tới tổ chức UNESCO đệ trình là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh mẽ. Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ cúng cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Theo thư tịch và huyền thoại, Bà là tiên nữ giáng trần, làm người, rồi qui y Phật giáo và được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo. Các Thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như người Mường, Tày, Nùng, Dao…thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, TPHCM, mà Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu. Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Sức mạnh và ý nghĩa của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe. TH |