Belarus khoảng một tuần nay chìm trong bất ổn biểu tình vì người dân phản đối kết quả bầu cử tổng thống với chiến thắng thuộc về Tổng thống Alexander Lukashenko.
Ngày 18-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng cảnh báo hai người đồng cấp Đức và Pháp rằng bất kỳ nỗ lực nào của nước ngoài để can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị ở Belarus sẽ phản tác dụng, theo đài RT.
Ông Putin: Nước ngoài can thiệp vào Belarus là không thể chấp nhận được
Cụ thể, hôm 18-8, trong hai cuộc điện đàm riêng lẻ với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Putin nhấn mạnh việc gây sức ép từ bên ngoài lên giới lãnh đạo ở Belarus là không thể chấp nhận được.
Từ trái qua: Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: RT
“Các bên đã thảo luận kỹ lưỡng tình hình ở Belarus sau cuộc bầu cử tổng thống (ở Belarus). Nga chỉ ra rằng việc nước ngoài nỗ lực can thiệp vào vấn đề nội bộ của Belarus là không thể chấp nhận được và có thể làm leo thang hơn nữa căng thẳng. Hy vọng tình hình sẽ cải thiện càng sớm càng tốt” – tuyên bố của Điện Kremlin cho biết.
Về phía Đức, Thủ tướng Merkel nói với ông Putin rằng chính phủ Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko phải chấm dứt sử dụng bạo lực chống lại những người biểu tình hòa bình, bước vào đối thoại với phe đối lập và ngay lập tức phóng thích các tù nhân chính trị.
Sau đó cũng trong ngày 18-8, Tổng thống Putin có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Macron.
“Khi thảo luận về tình hình phức tạp tại Belarus, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh rằng sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước cộng hòa này và gây sức ép lên giới lãnh đạo Belarus sẽ là điều không thể chấp nhận được. Cả hai bên bày tỏ khát khao về việc sớm có một giải pháp cho các vấn đề đã xảy ra” – Điện Kremlin cho biết.
Về phía Pháp, theo tuyên bố của Điện Élysée, Tổng thống Pháp Macron hối thúc Nga ủng hộ đối thoại. Ông Macron còn nói Liên minh châu Âu (EU) muốn đóng vai trò xây dựng cùng với người dân Belarus nhằm tìm ra một giải pháp chính trị vốn tôn trọng nguyện vọng đã được bày tỏ một cách hòa bình và rầm rộ trọng nhiều ngày qua, theo báo Irish Times.
Belarus là đồng minh thân cận nhất của Nga. Moscow và Minsk có các liên minh chính trị và quân sự chính thức gồm Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) và một hiệp ước “nhà nước liên minh”.
NATO theo dõi chặt chẽ, EU họp khẩn
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – ông Jens Stoltenberg cho hay khối quân sự này đang “theo dõi chặt chẽ” tình hình ở Belarus và sẵn sàng bảo vệ các thành viên của mình. Trong khi đó, Ukraine thông báo triệu hồi đại sứ nước này tại Minsk, theo báo Daily Mail.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại một hội nghị thượng đỉnh ở Minsk năm 2015. Ảnh: GETTY IMAGES
“Những diễn biến về tình hình tại Belarus, nơi xã hội bày tỏ sự bất tín nhiệm với kết quả bầu cử tổng thống chính thức tại nước này, đang thay đổi một cách cơ bản quan hệ Belarus-Ukraine” – Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói.
Hôm 18-8, Ngoại trưởng Lithuania – ông Linas Linkevicius nói rằng bất kỳ sự can thiệp nào của Nga sẽ cấu thành sự xâm lược.
Trong khi đó, giới lãnh đạo EU dự kiến tổ chức họp khẩn từ xa trong ngày 19-8 sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Charles Michel lên tiếng rằng bạo lực chống lại người biểu tình là không thể chấp nhận được và không thể cho phép xảy ra.
Biểu tình ở Belarus nổ ra sau khi kết quả bầu cửa ngày 9-8 cho thấy đương kim Tổng thống Lukashenko tuyên bố chiến thắng với gần 80% phiếu bầu. Ông Lukashenko đã nắm quyền 26 năm.
Phe đối lập cáo buộc kết quả bầu cử gian lận. Các quan chức phương Tây từ chối công nhận cuộc bầu cử vì cho rằng không tự do, không công bằng, đồng thời chỉ trích các cuộc đàn áp bạo lực. Ông Lukashenko bác những cáo buộc này.