Ông Putin nói gì vụ ông Navalny nói ông có cung điện 1,3tỉ đô?

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25-1 bác cáo buộc của nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny rằng ông sở hữu một cung điện xa hoa trị giá 1,3 tỉ USD ở Biển Đen.

Ông Putin ra tuyên bố này trong bối cảnh phe đối lập kêu gọi người ủng hộ tiếp tục xuống đường biểu tình vào ngày 31-1 nhằm yêu cầu trả tự do cho ông Navalny và phản đối giới tinh hoa cầm quyền Nga.

Ông Putin: Tin đồn ông sở hữu cung điện xa hoa được dùng để tẩy não người Nga

Theo hãng tin TASS, Tổng thống Putin nói rằng cung điện trong video của ông Navalny không thuộc về ông hay thuộc về những người thân cận ông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với sinh viên đại học qua video hôm 25-1 nhân ngày Sinh viên Nga. Ảnh: Sputnik / RIA news

“Tôi chưa xem video này vì đơn giản không có thời gian rảnh để xem những thông tin như vậy. Tuy nhiên, tôi đã xem qua các video được chọn lọc mà trợ lý của tôi đem đến. Chẳng có thứ gì được liệt kê trong đó là tài sản của tôi hay từng là của tôi hoặc của người thân tôi. Chưa bao giờ!” – ông Putin khẳng định tại một cuộc gặp trực tuyến với các sinh viên đại học hôm 25-1.

Ông Putin cho rằng tin đồn ông sở hữu cung điện xa hoa được sử dụng để tẩy não người Nga.

“Thông tin này đã được khuấy động trong hơn 10 năm. Và bây giờ, tất cả được tập hợp lại cho một dịp rất thuận tiện để tẩy não người dân của chúng ta bằng những tài liệu này, thông qua một số bộ phim và video trên mạng” – ông Putin nói.

Ông Putin chỉ ra với các sinh viên rằng bất kỳ tài sản nào thuộc loại này đều phải có tài liệu và dữ liệu nhất định về giao dịch tài chính, ngay cả một số thủ tục pháp lý liên quan tới công chứng cũng phải có bằng chứng lưu lại trong hồ sơ công chứng và dưới dạng điện tử.

“Và cái gì có thể thay cho những cái đó? Họ đăng bức ảnh tôi đang bơi bướm ở một bể bơi nào đó mà tôi chưa từng đến. Tôi không biết hồ bơi này ở đâu, nhưng tôi từng bơi như vậy ở sông Yenisei năm 2016. Ở đây chẳng có gì khác ngoài thao tác sao chép-dán và chỉnh sửa” – ông Putin chỉ rõ.

Video của ông Navalny tuyên bố ông Putin sở hữu cung điện trị giá 1,35 tỉ USD trên bờ Biển Đen thu hút hàng chục triệu lượt xem. Ảnh: Alexander Nemenov/AFP

Ông Putin nói rằng ông biết một số người được đề cập trong video, một số người trong số đó là bạn cũ, đồng nghiệp cũ, họ hàng xa hoặc chỉ là một người mà ông biết.

“Trong khi đó có những người mà tôi hoàn toàn không biết, và tôi chưa bao giờ gặp họ hoặc quen biết họ. Tôi hiểu rằng họ không muốn đứng gần tôi vì bất kỳ ai đứng cạnh tôi ngay lập tức đều đối mặt lệnh trừng phạt” – ông Putin nói.

Nói về những người quen biết ông xuất hiện trong cuộc điều tra của ông Navalny, ông Putin nhấn mạnh họ đã bước vào thế giới kinh doanh trước khi ông lên làm tổng thống.

Hôm 19-1, nhân vật đối lập Navalny đăng video cáo buộc ông Putin sở hữu một cung điện đắt tiền gần TP Gelendzhik trên bờ Biển Đen. Video thu hút 86 triệu lượt xem chỉ trong năm ngày.

Trong cuộc điều tra, ông Navalny tuyên bố đã phát hiện ra bằng chứng nguồn tiền để xây dựng cung điện này bắt nguồn từ đâu, gọi đây là “vụ hối lộ lớn nhất trong lịch sử”.

Tuần trước, Điện Kremlin gọi cáo buộc này là “chuyện hoang đường nổi bật”.

Đồng minh ông Navalny kêu gọi biểu tình toàn quốc vào ngày 31-1

Hôm 25-1, ông Leonid Volkov- trợ lý hàng đầu của ông Navalny thông báo các cuộc biểu tình toàn quốc nhằm ủng hộ nhân vật đối lập Navalny sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 31-1, theo báo The Moscow Times.

“Vào lúc 12 giờ trưa ngày 31-1. Tất cả thành phố của Nga. Vì tự do của ông Navlany. Vì tự do cho tất cả. Vì công lý. Sẽ có thêm thông tin chi tiết” – ông Volkov thông báo trên tài khoản mạng xã hội của mình.

Cuộc biểu tình hôm 23-1 là cuộc biểu tình lớn nhất tại Nga trong nhiều năm qua. Ảnh: Kirill Kudryavtsev/AFP

Hôm 23-1, các cuộc biểu tình nổ ra tại hơn 100 TP của Nga, hàng chục ngàn người yêu cầu nhà chức trách thả ông Navalny cũng như chống lại giới tinh hoa cầm quyền của Nga.

Hơn 3.700 người đã bị bắt, và hàng chục người biểu tình bị thương. Theo tổ chức giám sát OVD-Info, tính đến sáng 25-1, hơn 80 người tham gia biểu tình bị kết án tù ngắn hạn, trong khi ít nhất 15 trường hợp hình sự đang được mở điều tra.

“Tại sao chúng ta nên xuất hiện lần nữa? Vì lý do (đằng sau cuộc biểu tình) chẳng biến mất đi đâu cả. Và kinh nghiệm của cuộc biểu tình hôm 23-1 cho thấy những người tự do mạnh hơn nỗi sợ hãi” – ông Volkov nói.

Cuộc biểu tình lần thứ hai này sẽ diễn ra trước phiên điều trần của ông Navalny vào ngày 2-2, nơi ông đối mặt 3,5 năm tù giam.

“Gần đến này ra tòa, yêu cầu của chúng tôi sẽ vang lên mạnh mẽ hơn. Và tất nhiên, tại Moscow, các bạn phải đến tòa vào ngày 2-2” – ông Volkov kêu gọi.

Ông Volkov cho biết tuyến đường biểu tình sẽ được thông báo tại những thành phố có trụ sở của nhóm ông Navalny. Tại các TP khác, Quỹ Chống tham nhũng của ông Navalny sẽ giúp người biểu tình địa phương điều phối các tuyến đường, chọn những tuyến đường dài nhất có điểm kết thúc tại quảng trường chính của TP.

Ông Navalny bị bắt giam hôm 17-1 khi vừa từ Đức trở về Nga sau năm tháng điều trị do bị ám hại.

Trước khi ông về nước, Cục Cải huấn Liên bang Nga yêu cầu tòa thay án treo ông nhận năm 2014 trong một vụ án tham ô thành án tù vì cho rằng ông vi phạm điều khoản quản chế trong thời gian ông ở Đức.

Ông Putin: Chỉ có khủng bố mới khuyến khích người trẻ tham gia biểu tình

Tổng thống Putin hôm 25-1 nói rằng công dân Nga có quyền bày tỏ ý kiến của họ những phải thực hiện theo khuôn khổ luật pháp.

Ông Putin còn nói không nên khuyến khích những trẻ vị thành niên tham gia biểu tình, nhắc tới một tuyên bố của nhà chức trách rằng ông Navalny đã kêu gọi người trẻ tuổi đi biểu tình.

“Đó là những gì quân khủng bố làm. Chúng đưa phụ nữ và trẻ em đứng trước chúng” – ông Putin nói.

Theo kênh Channel News Asia, nhà phân tích chính trị Alexei Zakharov dẫn các cuộc thăm dò được tiến hành tại cuộc biểu tình ở Moscow cho biết những người tham gia biểu tình có độ tuổi trung bình là 31, trong khi chỉ 10% người tham gia là tuổi 18 hoặc dưới 18.

Nga sẽ điều tra công ty công nghệ Mỹ vì can thiệp vào cuộc biểu tình

Bộ Ngoại giao Nga hôm 25-1 lặp lại tuyên bố rằng các nhà ngoại giao Mỹ đã khuyến khích người Nga tham gia biểu tình, đồng thời cho biết đã gửi công hàm phản đối mạnh mẽ tới đại sứ Mỹ tại Nga.

Bên trong nơi nhóm ông Navalny cho là cung điện của ông Putin. Ảnh: palace.navalny.com

Trước đó, Điện Kremlin nói đại sứ quán Mỹ tại Moscow đang can thiệp vào các vấn đề của Nga bằng cách công bố tuyến đường biểu tình.

Trả lời hãng tin AFP, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Nga cho hay đây là “thông lệ thông thường” của các phái bộ ngoại giao để ban hành cảnh báo an toàn cho người dân của họ ở nước ngoài.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết nước này sẽ điều tra các công ty công nghệ của Mỹ vì “sự can thiệp” liên quan tới cuộc biểu tình.

Trước khi biểu tình nổ ra hôm 23-1, cơ quan giám sát truyền thông Roskomnadzor của Nga yêu cầu các nền tảng mạng xã hội YouTube, Instagram xóa tất cả lời kêu gọi biểu tình được đăng trên các nền tảng này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới