Ngày 16-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng việc kích hoạt sử dụng tên lửa siêu thanh Oreshnik là một phần quan trọng trong phản ứng của Nga trước việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở Tây Âu, theo đài RT.
Theo ông Putin, Mỹ đang phát triển các hệ thống tầm trung và có ý định triển khai chúng ở châu Âu và châu Á, việc này làm suy yếu an ninh của Nga. Do đó, Moscow đang thực hiện một cách tiếp cận toàn diện đối với mối đe dọa đó, bao gồm việc phát triển các khả năng tương tự, lấy tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik làm ví dụ.
"Mục tiêu ưu tiên của chúng tôi là đảm bảo phát hiện nhanh chóng các vụ phóng tên lửa như vậy và đánh chặn chúng. Đồng thời, chúng tôi cần đẩy mạnh sản xuất hàng loạt và triển khai các hệ thống tấn công tương tự do Nga sản xuất, gồm cả tên lửa siêu thanh" - ông Putin cho biết.
Vào tháng 11, Moscow đã phô diễn sức mạnh của tên lửa Oreshnik bằng cách phóng tên lửa này vào một nhà máy quân sự ở TP Dnipro (tỉnh Dnepropetrovsk, Ukraine).
Trước đây, Nga và Mỹ từng cam kết không phát triển tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km theo Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) được ký trong Chiến tranh Lạnh nhằm giảm nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân.
Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018, với lý do Nga vi phạm và để cạnh tranh với Trung Quốc - nước không tham gia hiệp ước. Tổng thống Putin chỉ trích động thái này làm suy yếu ổn định chiến lược toàn cầu và cảnh báo rằng Nga sẽ đáp trả tương xứng trước bất kỳ việc triển khai vũ khí nào của Mỹ.