Ông Phan Văn Sáu và ông Trương Quang Nghĩa là hai thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Cùng nhìn lại một vài nét chấm phá về hai ngành Thanh tra và Giao thông mà hai ông làm “tư lệnh”.
Chi một đồng của dân cũng phải cân nhắc
Hồi tháng 4-2016, sau khi tham gia Chính phủ, trả lời báo chí, ông Nghĩa nói rằng mình được “thừa hưởng nhiều điều tốt đẹp của những người tiền nhiệm” và tiếp tục phát huy những thành quả tốt đẹp đó.
Thừa nhận có nhiều sức ép, nhưng ông Nghĩa nói: “Mỗi ngày chắc chắn chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để người dân đi lại an toàn, thuận tiện. Giao thương thuận lợi hơn sẽ giúp kinh tế tăng trưởng”.
Đặc biệt, trong công tác đầu tư, ông Nghĩa nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ giữ nguyên tắc là chi tiêu một đồng tiền của nhân dân đều phải cân nhắc, có trách nhiệm, phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả của việc đầu tư”.
Ông Trương Quang Nghĩa trong ngày được giao nhiệm vụ Bí thư thành ủy TP. Đà Nẵng
Thực tế của ngành giao thông đúng là có nhiều vấn đề như ông Nghĩa nhận định. Những công trình như Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án cao tốc Bắc Nam đang có nhu cầu vốn rất cao. Những dự án BOT dường như đến thời kỳ này mới bộc lộ những bất cập và hệ lụy.
Điển hình như những BOT Bến Thủy, Cai Lậy, Biên Hòa... Các tài xế sử dụng tiền lẻ như một cách phản đối mềm và ông Nghĩa trong một lần bày tỏ quan điểm đã nói: “Nhiều người chỉ nghĩ đến nhà đầu tư, tôi đề nghị nhìn khách quan hơn”.
Khi nguyên Bí thư TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị kết luận là có nhiều sai phạm đến mức phải kỷ luật, dư luận đã râm ran khả năng ông Nghĩa về làm Bí thư “thành phố đáng sống”. Và mọi việc sau này diễn ra đúng như vậy.
Ngày 7-10, khi chính thức nhận nhiệm vụ Bí thư TP Đà Nẵng, ông Nghĩa trong bài phát biểu ngắn đã nói: “Khi làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải, tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ quay về lại Đà Nẵng làm bí thư thành phố”.
Ông Nghĩa cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Bộ Chính trị khi “tin tưởng và đánh giá, nhận xét có phần ưu ái” dành cho bản thân ông.
Thanh tra nhiều niềm vui nhưng khó khăn, vất vả
Đây có lẽ là một trong những nhận định chính xác của ông Phan Văn Sáu khi nhận nhiệm vụ Tổng thanh tra Chính phủ.
Đầu nhiệm kỳ, cùng với những định hướng từ Đại hội XII của Đảng cũng như phương châm xây dựng Chính phủ “liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ nhân dân”, Thanh tra Chính phủ đã có những cuộc thanh tra đáng kể.
Có thể kể đến những cuộc thanh tra đối với Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC). Như đã biết, việc thanh tra PVC đã làm rõ nhiều sai phạm tại đây và những cá nhân liên quan sau đó đã bị bắt hoặc truy bắt. Vụ PVC cũng gắn liền với “tên tuổi” của ông Trịnh Xuân Thanh vì đã để thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng.
Một số kết luận thanh tra lớn và nổi cộm khác cũng được Thanh tra Chính phủ ban hành trong thời gian này như: kết luận thanh tra các dự án nhiên liệu sinh học của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ.
Tháng 6-2017, ông Sáu lần đầu tiên trả lời chất vấn ĐBQH trên cương vị là Tổng Thanh tra Chính phủ. Tại diễn đàn Quốc hội, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng đã “phê” Thanh tra Chính phủ trong vụ Đồng Tâm.
Tuy nhiên, sau thời điểm đó, Thanh tra Chính phủ đã được giao hoặc chủ động tiến hành những cuộc thanh tra liên quan đến những sự kiện nóng trong công luận. Có thể kể đến những vụ việc như bán đảo Sơn Trà, “biệt phủ Yên Bái”, VN Pharma, và hãng phim truyện Việt Nam.
Tại cuộc họp báo trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vào ngày 20-10, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói ông Sáu có đơn xin thôi nhiệm vụ vì vấn đề "sức khỏe, gia đình khó khăn".
Chiều qua, 24-10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Bộ Chính trị đã đồng ý phân công Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu tham gia Ban Chấp hành Tỉnh ủy Sóc Trăng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng và giữ chức bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.