Đến ngày 3-9, ông Trịnh Xuân Thanh đã hết kỳ nghỉ phép để đi chữa bệnh. Lẽ thường sau ngày 3-9, ông Trịnh Xuân Thanh phải đến cơ quan làm việc. Dù việc bầu, phê chuẩn và bổ nhiệm ông vẫn đang còn nhiều điều phải làm rõ nhưng ông vẫn là công chức, là tỉnh ủy viên của Hậu Giang và phải tuân thủ những quy định của pháp luật về công chức cũng như những quy định của Đảng.
Tỉnh ủy Hậu Giang về lý cũng phải biết cán bộ như ông Trịnh Xuân Thanh vì sao không đi làm lại sau kỳ nghỉ phép. Nhưng trả lời báo chí, Hậu Giang vẫn chưa rõ ông Thanh đến giờ thế nào. Và dư luận đặt dấu hỏi rất lớn là “cuối cùng ông Thanh đang ở phương trời nào và đang như thế nào?”.
Ở góc độ quản lý trực tiếp nhân sự, một cơ quan quan trọng của Đảng như Tỉnh ủy Hậu Giang lại trả lời không biết đảng viên của mình hiện tình ra sao, vì sao không đến làm việc là điều rất khó thuyết phục dư luận.
Ở góc độ công chức, đảng viên, ông Trịnh Xuân Thanh bắt buộc phải hiểu rõ điều lệ Đảng và quy định của pháp luật. Cụ thể, khi ông đang bị xem xét xử lý kỷ luật thì việc xin ra khỏi Đảng của ông không thể như những trường hợp bình thường khác, theo quy định của Đảng. Và Luật Cán bộ, công chức cũng quy định rất rõ những điều cấm, trong đó có “trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao”.
Cho nên việc ông Trịnh Xuân Thanh không đến nhiệm sở làm việc sau kỳ nghỉ chữa bệnh đã đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý cán bộ, đảng viên cũng như cách ứng xử cần có đối với một nhân sự đã từng giữ chức vụ quan trọng trong Đảng, chính quyền.
Chiều 8-9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã đề nghị khai trừ Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Tỉnh ủy Hậu Giang cũng đã có công văn triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh để xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan đến ông Thanh, trong đó có việc ông xin ra khỏi Đảng. Đến nước này thì ông Trịnh Xuân Thanh không thể không xuất hiện nữa!