Sau thời gian dài liên tục chỉ trích và đe dọa hủy bỏ, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13-10 chính thức ra tay với thỏa thuận hạt nhân Iran.
Không công nhận Iran thực thi đúng thỏa thuận
Giữ đúng lời đã hứa vài tháng trước và không ngoài dự đoán của nhiều người, phát biểu từ Phòng Ngoại giao ở Nhà Trắng trưa 13-10, ông Trump tuyên bố không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận, cáo buộc Iran “không tôn trọng tinh thần” thỏa thuận. Ông Trump cảnh báo ông sẽ hủy bỏ nó, khẳng định mục tiêu của mình là đảm bảo Iran không bao giờ sở hữu được vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về thỏa thuận hạt nhân Iran từ Phòng Ngoại giao ở Nhà Trắng trưa 13-10. Ảnh: REUTERS
“Chúng tôi sẽ không tiếp tục con đường mà đã đoán trước sẽ chỉ tạo thêm bạo lực, thêm khủng bố và đe dọa thực sự từ hạt nhân Iran” - ông Trump nói.
Quốc hội có 60 ngày để quyết định
Với tuyên bố này, giờ số phận thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Mỹ được chuyển về tay Quốc hội. Quốc hội có 60 ngày để bàn luận và quyết định xem có khôi phục trừng phạt hay trừng phạt mới Iran - đồng nghĩa với rút khỏi thỏa thuận hay không.
Theo quy định, cứ mỗi 90 ngày chính phủ Mỹ phải báo cáo Quốc hội về quá trình thực thi thỏa thuận của Iran. Từ khi thực hiện thỏa thuận đến này, chính phủ Mỹ đã có 2 lần báo cáo, đều công nhân Iran thực thi tốt thỏa thuận. Nếu lần tấn công này không thành công, ông Trump vẫn còn lần tiếp theo vào tháng 1-2018.
Người dân Tehran (Iran) theo dõi bài phát biểu của ông Trump về thỏa thuận hạt nhân ngày 13-10. Ảnh: REUTERS
Không chỉ tấn công thỏa thuận hạt nhân, trong bài phát biểu ông Trump còn công bố nhiều bước thay đổi lớn trong cách tiếp cận các chương trình hạt nhân và tên lửa Iran, cũng như cách đối phó với việc Iran ủng hộ các nhóm cực đoan ở Trung Đông.
Ông Trump cho rằng cần phải trừng phạt Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, chỉ trích nặng nề Iran có nhiều hành động gây bất ổn Syria, Yeman, Iraq.
Iran bình tĩnh
Diễn biến này nằm trong chủ trương “Ưu tiên nước Mỹ” trong các thỏa thuận quốc tế của ông Trump. Cũng từ chủ trương này, ông Trump trước đây đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris, đối thoại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tái thương lượng Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico.
Tuy nhiên đảng Dân chủ (Mỹ) tỏ ra bi quan với tuyên bố của ông Trump. Theo thượng nghị sĩ Ben Cardin, trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đang đối mặt với khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, với diễn biến này ông Trump đã tạo thêm một cuộc khủng hoảng mới, cô lập Mỹ khỏi các đồng minh và đối tác.
Phản ứng phía Iran sau tuyên bố của ông Trump khá bình tĩnh. Phát biểu trên truyền hình ngày 13-10, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói Iran vẫn tôn trọng thỏa thuận, nói ông Trump cáo buộc vô căn cứ.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trên truyền hình Iran ngày 13-10. Ảnh: REUTERS
“Dân tộc Iran không và sẽ không bao giờ khuất phục trước bất kỳ áp lực nước ngoài. Iran và thỏa thuận mạnh mẽ hơn bao giờ hết” – theo ông Rouhani.
Israel hoan nghênh, châu Âu chỉ trích
Bài phát biểu gay gắt của ông Trump nhanh chóng nhận được sự hoan nghênh của đồng minh Israel - nước đối đầu Iran trong khu vực, tuy nhiên lại bị các đồng minh châu Âu chỉ trích.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nói lên tiếng rằng vẫn giám sát chặt quá trình thực thi thỏa thuận của Iran và không phát hiện vi phạm gì.
“Iran thực hiện tốt các cam kết đã thống nhất trong thỏa thuận” – Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano khẳng định.
Người dân Iran bước ngang hình ảnh chống Mỹ ở Tehran (Iran) ngày 13-10. Ảnh: REUTERS
Quyết định của ông Trump đưa Mỹ vào thế đối đầu với các nước còn lại trong nhóm P5+1 đã ký thỏa thuận với Iran - Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc. Hàng loạt công ty các nước này đã xúc tiến làm ăn, khôi phục thương mại với Iran sau khi thỏa thuận được thực hiện. Nếu giờ thỏa thuận bị hủy bỏ các nước sẽ thiệt hại rất lớn. Nhiều nhà phân tích còn dự đoán có thể Mỹ sẽ bị các nước này trả đũa kinh tế.
Đức ngày 12-10 cảnh báo sự chia rẽ giữa châu Âu với Mỹ, rằng thái độ của ông Trump sẽ khiến châu Âu xích lại gần hơn với Nga và Trung Quốc.