Trong một năm thế giới phải đối mặt với mối lo âu lớn từ vũ khí hạt nhân như năm 2017, giải Nobel Hòa bình được trao cho một tổ chức hành động ngăn chặn chúng là điều nằm trong dự đoán.
Chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm nay là Chiến dịch quốc tế nhằm bãi bỏ Vũ khí hạt nhân (ICAN), một liên minh các nhà hoạt động giải giáp hạt nhân có trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ).
ICAN được vinh danh nhờ đã có 10 năm nỗ lực tạo thuận lợi cho các cuộc thương lượng dẫn đến hình thành hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân đầu tiên - Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân được LHQ tổ chức ký tháng 7 vừa qua.
“Tổ chức này nhận được giải thưởng vì các hành động nhằm thu hút sự chú ý đến các hậu quả nhân đạo tàn khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân và vì các nỗ lực mang tính đột phá nhằm đạt được một hiệp ước cấm vũ khí này” - theo tuyên bố của Ủy ban Nobel Na Uy.
Beatrice Fihn (phải)- Giám đốc điều hành ICAN và Ganiel Hogsta - một điều phối viên của ICAN vui mừng trước thông tin ICAN được trao giải thưởng Nobel Hòa bình tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 6-10. Ảnh: REUTERS
Tiến trình phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân bắt đầu từ ngày 20-9, tại Đại hội đồng LHQ. Đã có ít nhất 53 thành viên ký tham gia, tới giờ có ba nước phê chuẩn: Guyana, Vatican và Thái Lan.
90 ngày sau khi được 50 nước phê chuẩn, hiệp ước sẽ có hiệu lực. Theo thỏa thuận trong hiệp ước, tất cả việc sử dụng, đe dọa sử dụng, thử, phát triển, sản xuất, sở hữu, vận chuyển, đưa vũ khí hạt nhân đến một nước khác đều bị cấm.
Với các nước có vũ khí hạt nhân chọn tham gia hiệp ước, sẽ có một lộ trình tiêu hủy kho vũ khí hạt nhân nước này và nước này phải hứa sẽ không tiếp tục sở hữu vũ khí hạt nhân.
Sau thông báo trao giải, ICAN ra tuyên bố rằng giải thưởng này là sự ghi nhận với các nỗ lực không mệt mỏi của hàng triệu nhà vận động và cũng như công dân toàn cầu phản đối vũ khí hạt nhân, rằng chúng không phục vụ mục đích hợp pháp nào, cần được xóa sổ vĩnh viễn khỏi Trái đất.
ICAN được vinh danh Nobel Hòa bình trong bối cảnh nguy cơ xung đột hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên ngày càng lớn. Chưa kể quan hệ hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, Mỹ và Nga, đang ở mức thấp nhất từ thời Chiến tranh lạnh.
Chưa hết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tính tuần tới sẽ tuyên bố Iran không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã ký với nhóm P5+1, một bước nhằm tiến đến hủy bỏ thỏa thuận, điều các đồng minh châu Âu lo ngại có thể khiến Iran quay lại phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân.
Nói với báo chí, bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Hòa bình, cho biết giải thưởng này không phải nhằm gửi thông điệp gì đến Tổng thống Mỹ Donald Trump mà chỉ nhằm khuyến khích các nước giải giáp hạt nhân.
Lễ ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân tại LHQ tháng trước. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo New York Times, việc ICAN được trao giải Nobel Hòa bình là lời đáp trả mạnh với chín quốc gia hạt nhân của thế giới - Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên - vốn đã tẩy chay các cuộc thương lượng và lên án Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân.
Thế giới đang có 15.000 vũ khí hạt nhân và Mỹ, Nga là hai nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley từng nói hiệp ước chẳng làm giảm xung đột hạt nhân mà có thể còn gia tăng chúng.
Mỹ đã một lần bị cô lập năm 1997, khi giải Nobel Hòa bình vinh danh tổ chức dân sự Chiến dịch quốc tế nhằm bãi bỏ mìn (ICBL). Hiệp ước Cấm mìn do ICBL vận động đã được hơn ¾ nước trên thế giới ký tham gia nhưng cũng không có Mỹ, Nga, Trung Quốc.
Thành phần ủng hộ hiệp ước nói rằng họ chưa bao giờ hy vọng có quốc gia hạt nhân nào tham gia hiệp ước ngay, chỉ mong sự lan rộng của hiệp ước sẽ tăng áp lực dư luận lên các nước này. ICAN cũng thừa nhận vũ khí hạt nhân sẽ không sớm biến mất nhờ Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân nhưng nó vẫn là mục tiêu thực tế lâu dài.
Tuy nhiên, sau thông báo trao giải của Ủy ban Nobel Na Uy, nhiều quốc gia hạt nhân lên tiếng khẳng định lại sự phản đối Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân.
“Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân không đưa chúng ta lại gần hơn mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Thực tế, nó có nguy cơ hủy hoại tiến trình chúng ta đã trải qua nhiều năm nay nhằm giải trừ và không phát triển vũ khí hạt nhân. Các nỗ lực giải giáp hạt nhân phải tính tới thực tế môi trường an ninh hiện tại” - Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố.