Ông Trump đến Pháp giữa bộn bề lo âu

Ngày 13-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân đã đến Paris, bắt đầu chuyến thăm Pháp kéo dài hai ngày. Ông Trump rời Mỹ trong bối cảnh Nhà Trắng lại một lần nữa lao đao vì các thông tin liên quan đến Nga.

Tạm gác lại chuyện nhà

Bên cạnh rắc rối mới liên quan vụ Nga can thiệp bầu cử, tiến trình theo đuổi thực hiện các mục tiêu đối nội cũng đang là vấn đề đau đầu với ông Trump. Dự luật hủy bỏ luật bảo hiểm y tế Obamacare vẫn chưa có tiến triển tại Quốc hội.

Tại Pháp, ngoài gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Trump sẽ tham dự lễ diễu binh kỷ niệm ngày Quốc khánh Pháp 14-7. Giới quan sát đang rất chú ý về cuộc gặp giữa vị lãnh đạo trẻ nhất của Pháp kể từ thời Napoleon (39 tuổi) với một tổng thống Mỹ có số tuổi gần gấp đôi mình (71 tuổi) và chưa có kinh nghiệm chính trị.

Chuyện ông Trump đến Pháp trước khi đến Anh có thể xem là một bước ghi điểm của ông Macron khi ông mới chỉ đưa ra lời mời nửa tháng trước. Thủ tướng Anh Theresa May đã có lời mời với ông Trump từ tận đầu năm 2017. Có thông tin ông Trump định sang năm mới tới thăm Anh vì các rắc rối biểu tình.

Với ông Macron, chuyến thăm của ông Trump là cơ hội để ông dùng sức mạnh ngoại giao thuyết phục ông Trump và tạo ảnh hưởng lên chính sách đối ngoại Mỹ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) sẽ tranh thủ ghi điểm với Tổng thống Trump (phải) lần này. Ảnh: AFP

Điểm chung giữa hai tổng thống

Theo Los Angeles Times, so với các lãnh đạo châu Âu khác, hai ông Trump và Macron có nhiều điểm chung hơn. Cả hai ông Macron và Trump đều đang có nhu cầu cải thiện vị thế lãnh đạo. Ông Macron đang sốt ruột thúc đẩy vai trò của Pháp trong các vấn đề toàn cầu. Ông Trump cũng đang rất muốn tìm thêm bạn để bớt cô lập. Từ hai chuyến công du châu Âu trước, có thể thấy ông Trump đang đối mặt với sự lạnh nhạt ngày một lớn từ nhiều lãnh đạo châu Âu, đặc biệt sau khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và giữ chủ trương “Nước Mỹ trước hết” về thương mại.

Cả hai vị tổng thống cũng từng vấp phải nhiều tranh cãi, hoài nghi về năng lực trong quá trình tranh cử và đầu nhiệm kỳ. Bản thân ông Macron đang bị phe cánh tả Pháp phản đối mạnh, nói ông quá say sưa quyền lực khi mạo hiểm cải cách nhiều chính sách.

Ngoài ra, theo chuyên gia Boris Toucas (người Pháp) tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), ông Macron cũng có nhiều điểm tương đồng với ông Trump về nhập cư hơn Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ông Macron trên Twitter ngày 12-7 cũng khẳng định lập trường cần phân biệt hai thành phần tị nạn chính trị và nhập cư vì lý do kinh tế. Nhiều người cho rằng chính phủ ông Macron sẽ có cách đối xử khác nhau giữa hai thành phần này.

Tại Pháp, ông Trump được ông Macron chào mừng tại điện Invalides - được xây dựng cuối thế kỷ 17, là nơi yên nghỉ của hoàng đế Napoleon Bonaparte cùng nhiều anh hùng chiến tranh khác của Pháp.

Hai tổng thống cùng hai đệ nhất phu nhân cùng dự tiệc tối tại một nhà hàng ở tầng hai tháp Eiffel. Theo trợ lý của ông Macron thì việc chọn nơi này đãi tiệc có tính biểu tượng, chứng tỏ cho ông Trump thấy “Paris vẫn là Paris”. Câu này nhằm đáp lại câu nói “Pháp không còn là Pháp” mà ông Trump từng nói trong thời gian tranh cử tổng thống.

___________________________

59% người Pháp ủng hộ việc ông Macron mời ông Trump sang thăm Pháp, theo hãng thăm dò Elabe (Pháp).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm