Sáng 29-11, Triều Tiên phóng tên lửa nghi là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) rơi xuống vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.
Tên lửa được phóng ở hướng thẳng đứng, bay xa 4.500 km. Tuy nhiên, theo chuyên gia David Wright thuộc Liên hiệp Các chuyên gia chuyên ngành (Mỹ), tên lửa có thể đạt tầm xa tới 13.000 km nếu được phóng ở hướng tiêu chuẩn. Với tầm bắn này, thủ đô Washington và các khu vực khác của Mỹ hoàn toàn nằm trong mục tiêu.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, tên lửa này đạt độ cao cao hơn nhiều so với bất kỳ tên lửa nào trước mà Triều Tiên từng thử. Ông thừa nhận Triều Tiên có khả năng đe dọa “mọi nơi trên thế giới, kể cả Mỹ”.
Tên lửa ICBM Hwasong-14 của Triều Tiên trong một vụ phóng hồi tháng 7. Ảnh: TELEGRAPH
Vụ thử tên lửa của Triều Tiên diễn ra chỉ vài ngày sau khi nước này bị Tổng thống Trump liệt vào danh sách các nước tài trợ khủng bố và áp một số lệnh trừng phạt và không lâu sau chuyến công du châu Á của ông Trump.
Trước đó, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết Tổng thống Trump được báo cáo về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên “lúc tên lửa còn đang ở trên không”. Thời gian tên lửa bay trên không là 53 phút, theo quan sát của quân đội Hàn Quốc.
Sau vụ phóng này, Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, “tái xác nhận cam kết chống lại đe dọa Triều Tiên”, Nhà Trắng cho biết. Cả hai thống nhất Trung Quốc cần phải mạnh tay hơn, nắm vai trò lớn hơn trong giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Tổng thống Trump cũng điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in, “lên án mạnh mẽ chiến dịch thiếu thận trọng của Triều Tiên nhằm phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình”.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ xúc tiến một nỗ lực quốc tế nhằm tăng áp lực lên Triều Tiên và một trong những biện pháp có thể là cấm các tàu chở hàng đi và đến Triều Tiên. Cụ thể, theo người phát ngôn Heather Nauert, nước cùng sát cánh với Mỹ thực hiện nỗ lực này là Canada, đối tượng vận động được nhắm đến là 16 nước.