Theo đài CNN ngày 25-9, quân đội Mỹ hôm 22-9 đã tiến hành không kích các tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Libya.
“Dưới sự phối hợp với Chính phủ Hòa hợp quốc gia Libya và các lực lượng liên minh khác, lực lượng Mỹ đã tiến hành sáu cuộc không kích chính xác ở Libya nhằm vào một khu trại ở sa mạc của IS vào hôm 22-9” – Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ đang giám sát binh sĩ Mỹ trong khu vực nói trong một thông cáo.
Thông cáo nói thêm cuộc không kích đã tiêu diệt 17 chiến binh IS, phá hủy ba phương tiện tại khu trại nằm cách phía Đông Nam TP Sirte chừng 241 km.
Một cuộc không kích của Mỹ ở Libya. Ảnh: AFP
“Khu trại này được IS sử dụng để đưa các tay súng vào và ra khỏi đất nước này, để cất trữ vũ khí, trang thiết bị và dùng làm nơi lên kế hoạch và tiến hành các cuộc tấn công” – thông cáo của Bộ chỉ huy châu Phi của Mỹ cho biết, thêm rằng các tay súng IS ở Libya đã tham gia rất nhiều vụ tấn công khủng bố trên khắp châu Âu.
Giới chức quân đội Mỹ nói với CNN rằng các trận không kích này được tiến hành bởi các máy bay không người lái. Tổng thống Trump đã ký phê duyệt chiến dịch này trong tuần trước.
Mặc dù sự hiện diện của IS ở Libya đã giảm đi đáng kể sau chiến dịch không kích kéo dài gần 5 tháng của Mỹ trong giai đoạn cuối cùng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, song các nhóm nhỏ chiến binh IS đã bắt đầu tự khôi phục và hoạt động trở lại ở những khu vực sa mạc xa xôi, lợi dụng sự bất ổn kéo dài do cuộc nội chiến ở đất nước Bắc Phi này gây ra.
“Mỹ sẽ theo dõi và truy lùng những kẻ khủng bố này, làm suy giảm khả năng của chúng và phá sản kế hoạch cũng như các chiến dịch của chúng bằng tất cả biện pháp thích hợp, hợp pháp, trong đó có tấn công chính xác” – thông cáo Bộ chỉ huy châu Phi của Mỹ cho biết.
Cuộc không kích gần đây nhất của Mỹ ở Libya được tiến hành vào ngày 19-1, một ngày trước khi ông Trump nhậm chức. Đợt không kích này nằm trong một chiến dịch do cựu Tổng thống Obama ra lệnh nhằm vào các chỉ huy IS đang âm mưu tấn công châu Âu, theo Bộ Quốc phòng Mỹ.
Khoảng 80 chiến binh IS bị tiêu diệt trong chiến dịch này khi một máy bay ném bom không người lái cùng các oanh tạc cơ B-2 Spirit cất cánh từ căn cứ ở Missouri ném bom xuống hai khu trại huấn luyện của nhóm khủng bố, cách Tây Nam TP Sirte 45 km.
Nhóm khủng bố quốc tế IS từ lâu đã xem Libya là một địa bàn đầy tiềm năng và các tay súng đã lợi dụng sự bất ổn kéo dài nhiều năm do nội chiến ở nước này, chiếm lấy TP biển Sirte vào năm 2015.
Tuy nhiên, các dân quân địa phương liên thủ với Chính phủ Hòa hợp quốc gia Libya được quốc tế công nhận đã tái chiếm thành công TP này vào tháng 12-2016. Đóng góp vào thắng lợi này còn nhờ vào hưn 500 trận không kích của Mỹ.
Libya được xem là "miền đất hứa" cho các tay súng IS. Ảnh: CNN
Cuộc không kích IS ở Libya của Mỹ lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Trump diễn ra vài ngày sau khi Liên Hiệp Quốc đưa ra động thái mới thúc đẩy sự ổn định ở Libya nhằm giúp Chính phủ Hòa hợp quốc gia do ông Fayez Mustafa al-Sarraj dẫn đầu và Quân đội quốc gia Libya do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo bắt tay hòa giải. Quân đội quốc gia Libya đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ ở phía Đông đất nước.
“Họ không muốn IS còn hiện diện ở đó, họ đã nhất trí về điều đó” – tướng Thomas Waldhauser, người đứng đầu Bộ chỉ huy châu Phi của Mỹ nói về cả hai bên trong lúc phát biểu tại Viện Hòa bình Mỹ trong tháng này.
Ông Waldhauser khẳng định: “Trọng tâm của chúng tôi là tập trung vào ủng hộ Chính phủ Hòa hợp quốc gia. Chúng tôi cũng đang dốc toàn lực ngăn chặn nội chiến ở đất nước này. Chúng tôi đã khai mở một đường dây liên lạc với tướng Haltar – người đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya. Chúng tôi tất nhiên cũng thúc đẩy cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở đất nước này”.
Dù vậy, hồi tháng 4 năm nay khi Tổng thống Trump được hỏi hình dung về vai trò của Mỹ trong việc giúp đỡ Libya vào tình trạng ổn định, ông chủ Nhà Trắng nói rằng Mỹ sẽ tập trung vào cuộc chiến chống IS.
“Tôi nghĩ Mỹ bây giờ đã có đủ vai trò ở Libya. Tôi nhìn thấy một vai trò trong việc loại bỏ IS. Chúng tôi đang rất hiệu quả trong vấn đề đó” – ông Trump nói với phóng viên tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, khi đó cũng có sự có mặt của Thủ tướng Ý.