Tổng thống Mỹ Donald ngày 9-7 cho rằng Bắc Kinh có thể đang tìm cách cản trở các nỗ lực của Mỹ nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên, do căng thẳng thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, ông tự tin lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tôn trọng cam kết mà hai ông đã ký với nhau tháng trước.
“Tôi có lòng tin ông Kim Jong-un sẽ tôn trọng tuyên bố chung mà chúng tôi đã ký và quan trọng hơn là cái bắt tay của chúng tôi. Chúng tôi đã đồng ý phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Trong khi đó, Trung Quốc có thể sẽ gây áp lực tiêu cực lên thỏa thuận này, vì bất đồng với lập trường thương mại của chúng ta. Hy vọng không phải vậy!” - ông Trump viết trên Twitter.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore ngày 12-6. Ảnh: AP
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ vào tháng 4 năm nay, sau khi chính phủ Trump công bố kế hoạch đánh thuế hàng Trung Quốc. Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc sử dụng chính sách "không công bằng” để đạt thặng dư thương mại lớn với Mỹ, đánh cắp công nghệ Mỹ.
Tuần vừa rồi, Mỹ áp thuế 25% lên 800 mặt hàng có tổng kim ngạch 34 tỉ USD nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Ngay lập tức, Bắc Kinh tuyên bố áp mức thuế trả đũa tương tự lên 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ - theo Trung Quốc Nhật báo.
Ông Trump nghi ngờ thái độ cứng rắn này của Mỹ đối với thương mại Trung Quốc có thể đã khiến nước này tìm cách can thiệp bất lợi vào các nỗ lực của Mỹ nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Một binh sĩ Hàn Quốc bước qua màn hình ti vi đang đưa tin về chuyến thăm Bắc Kinh của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 28-3. Ảnh: AFP
Hiện tại, tiến trình xóa bỏ vũ khí hạt nhân khỏi Triều Tiên đang vấp khá nhiều khó khăn. Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12-6, ông Kim đã ký trong văn kiện với ông Trump một cam kết “hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên” nhưng không đề cập về phương thức hay lộ trình thời gian cụ thể. Một số đánh giá tình báo của Mỹ gần đây đã kết luận rằng Triều Tiên không có ý định xóa bỏ hạt nhân hoàn toàn.
Trong hai ngày 6 và 7-7 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm và làm việc tại Bình Nhưỡng để tiếp tục thảo luận chi tiết về tiến trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Chuyến đi này hứng nhiều chỉ trích từ truyền thông và giới quan sát chính sách đối ngoại Mỹ vì không đem lại kết quả.
Tuy nhiên, hai cựu quan chức Mỹ từng làm việc với Triều Tiên có cái nhìn tích cực hơn về các cuộc đối thoại hạt nhân của ông Pompeo.
“Chuyến viếng thăm của ông Pompeo là một khởi đầu hữu ích để đưa ra các phương thức và chi tiết cho thỏa thuận. Phía Triều Tiên đã đề xuất một cách giải quyết đồng thời và từng bước một mà tôi nghĩ là đúng đắn để tiến về phía trước. Đó là thứ duy nhất sẽ mang lại kết quả” - theo ông Joel Wit - cựu quan chức ngoại giao Mỹ, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Mỹ-Triều Tiên quốc tế thuộc đại học John Hopkins (Mỹ), người sáng lập trang web 38 North chuyên quan sát và đưa tin về Triều Tiên.
Người sáng lập trang web 38 North Joel Wit có cái nhìn tích cực về cuộc đối thoại hạt nhân giữa Mỹ với Triều Tiên. Ảnh: YONHAP
Trong khi đó ông Robert Gallucci - trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Mỹ với Triều Tiên năm 1994 cho rằng bổ nhiệm một chuyên gia đàm phán cấp cao để dẫn dắt các cuộc đối thoại là cần thiết. Tuy vẫn giữ cái nhìn tích cực về tương lai đối thoại hạt nhân với Triều Tiên nhưng ông Gallucci cho rằng ông Trump nên ngừng nói Triều Tiên không còn một mối đe dọa hạt nhân vì tuyên bố này là “hoàn toàn sai lạc”.