Ông Trump sẽ phải đối phó biểu tình

Cuộc tuần hành ngày 14-1 tại Washington quy tụ vài ngàn người do mục sư Al Sharpton dẫn đầu, sau đó kết thúc tại tượng đài Martin Luther King.

Các cuộc biểu tình được tổ chức trong tuần lễ trước ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức nhằm phản đối các phát biểu của ông về người theo đạo Hồi, dân nhập cư, phụ nữ hay người thuộc cộng đồng thiểu số.

Khoảng 30 nhóm đã được phép tổ chức biểu tình trước, trong và sau ngày tân tổng thống tuyên thệ.

Đúng ngày 20-1, lúc ông Trump tuyên thệ nhậm chức ở tòa nhà Quốc hội, hàng ngàn người sẽ biểu tình tại Washington theo sáng kiến của tổ chức DisruptJ20 (Phá ngày 20-1).

Mục đích của tổ chức này nhằm làm tê liệt 12 hàng rào an ninh được bố trí quanh tòa nhà Quốc hội và dọc đại lộ Pennsylvania nơi đoàn xe tổng thống đi qua.

Tổ chức DisruptJ20 cũng dự tính phong tỏa giao thông và gây rối tại các buổi khiêu vũ truyền thống trong đêm 20-1.

Mục sư Al Sharpton dẫn đầu cuộc tuần hành ở Washington hôm 14-1. Ảnh: REUTERS

Phối hợp với tổ chức DisruptJ20 có nhiều nhóm khác như nhóm Black Lives Matter (chuyên đấu tranh phản đối cảnh sát bạo hành với người da đen).

Sự kiện quan trọng nhất mang tên “Cuộc tuần hành phụ nữ” sẽ diễn ra vào ngày 21-1 ở Washington. Cuộc tuần hành đã được chính quyền cho phép.

Sáng kiến tổ chức tuần hành xuất phát từ một nữ luật sư về hưu tên Teresa Shook ở Hawaii.

Khi đài truyền hình đưa tin ông Trump đắc cử, bà Teresa Shook viết trên Facebook câu: “Tôi nghĩ rằng chúng ta phải biểu tình hàng loạt trong lễ nhậm chức”.

Ngay sáng hôm sau đã có 10.000 người ủng hộ. Lời kêu gọi như vết dầu loang đã được nhiều người ủng hộ bằng các hashtag như #WhyImarch, #womensmarch, #NotMyPresident.

Nhiều nhân vật nổi tiếng như các ca sĩ Katy Perry và Cher, nữ diễn viên Scarlett Johansson tuyên bố tham gia tuần hành.

Ngoài ra còn có hàng chục tổ chức bảo vệ quyền công dân, người nhập cư, người theo đạo Hồi, bảo vệ môi trường, ủng hộ phá thai, bảo vệ phụ nữ, người đồng giới, thổ dân, bảo vệ hòa bình…

Báo chí Mỹ gọi đây là cuộc biểu tình lớn nhất ở Washington liên quan đến bầu cử tổng thống. Ngoài gần 200.000 người đăng ký tham gia, có 254.000 người bày tỏ quan tâm. 1.200 xe ô tô đã xin phép đậu trong sân vận động RFK.

Dự kiến sẽ có 28.000 cảnh sát được triển khai bảo đảm an ninh trong lễ nhậm chức tổng thống hôm 20-1.

Đến nay đã có 16/194 nghị sĩ đảng Dân chủ công khai tuyên bố không dự lễ.

Nghị sĩ Luis Gutierrez không dự lễ mà cùng vợ tham gia biểu tình ở Washington.

“Nghị sĩ John Lewis nên để thêm thời gian quan tâm giúp khu vực bầu cử của mình đang trong tình trạng kinh khủng và phân rã (chưa nói đến chuyện bị tiêm nhiễm tội phạm) thay vì cứ cố than phiền kết quả bầu cử. Nói, nói, nói, chẳng thấy hành động hay kết quả gì. Buồn thật!”. Ngày 14-1, ông Trump viết trên Twitter như trên để trả đũa nghị sĩ Hạ viện John Lewis.

Trước đó, phát biểu với đài truyền hình NBC, ông John Lewis tuyên bố không dự lễ nhậm chức tổng thống vì ông Trump đắc cử không chính đáng và người Nga can thiệp vào bầu cử. Nghị sĩ John Lewis là biểu tượng cho phong trào đấu tranh bảo vệ quyền công dân ở Mỹ. Từ khi được bầu vào Hạ viện cách đây 30 năm, ông chưa từng bỏ lễ nhậm chức tổng thống nào.

_____________________________

800.000 người sẽ tham dự lễ nhậm chức của ông Trump ngày 20-1. Lễ nhậm chức của Tổng thống Obama hồi tháng 1-2009 có đến 1,8 triệu người tham dự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm