Ông Trump và Putin điện đàm chuyện Syria, Triều Tiên

Gần một tháng sau khi Mỹ nã tên lửa vào sân bay quân sự của Syria - đồng minh thân thiết của Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối cùng đã có cuộc điện đàm vào ngày 2-5 (giờ Mỹ). Nhà Trắng mô tả đây là “một cuộc đối thoại rất thoải mái”, trong khi điện Kremlin gọi đây là một “cuộc đối thoại thiết thực và xây dựng”.

Những nỗi lo chung

Syria là chủ đề chính trong cuộc điện đàm, theo Washington Post. Hai lãnh đạo đã bàn về khủng hoảng nhân đạo, cùng tỏ ý muốn hợp tác vì một lệnh ngừng bắn ở nước này. “Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đồng ý đau khổ ở Syria đã quá mức chịu đựng và quá dài, tất cả các bên cần nỗ lực hết sức để chấm dứt bạo lực” - Nhà Trắng thông báo về nội dung cuộc điện đàm.

Tổng thống Mỹ Trump điện đàm đầu tiên với Tổng thống Nga Putin từ Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 28-1. Ảnh: REUTERS

Trong cuộc điện đàm, hai lãnh đạo Nga và Mỹ cũng bàn tới cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông cũng như “tình hình nguy hiểm” ở Triều Tiên. Hai ông Trump và Putin đã bàn khả năng gặp nhau bên lề hội nghị G20 sẽ diễn ra ở Hamburg (Đức) vào tháng 7 tới. Thông tin này được cả Nhà Trắng và điện Kremlin xác nhận.

Đây cũng là cuộc điện đàm thứ ba giữa hai lãnh đạo Mỹ và Nga kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ. Trước đó hai ông Trump và Putin đã hai lần điện đàm. Một là ông Putin gọi chúc mừng ông Trump nhậm chức, một khi ông Trump gọi chia buồn vụ đánh bom tàu điện ngày 3-4 ở TP St.Petersburg (Nga) làm 16 người chết.

Phe đảng Dân chủ ngày 2-5 đã có phản ứng về cuộc điện đàm giữa ông Trump và Putin. “Tình "anh em" giữa ông Trump với ông Putin có vẻ đã quay trở lại” - theo Phó Giám đốc truyền thông Ủy ban Dân chủ Quốc gia Adrienne Watson - “Thay vì gửi đến ông Putin thông điệp cứng rắn vì bảo vệ chính phủ Assad, ông Trump có vẻ đang chọn chiến lược nhượng bộ”.

Cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Trump diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước cực kỳ căng thẳng trong vài tuần gần đây, sau khi Mỹ nã 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria ngày 7-4. Phía Mỹ nói đây là phản ứng với việc chính phủ Syria đánh bom hóa học làm 87 người thiệt mạng hai ngày trước đó. Trong khi Tổng thống Putin khẳng định thủ phạm thực hiện vụ tấn công hóa học này là phe nổi dậy Syria, cáo buộc đây chỉ là cái cớ để Mỹ tấn công Syria và Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế.

Hợp tác sẽ không xảy ra?

Trước cuộc điện đàm với ông Trump, ông Putin khẳng định hòa bình lâu dài ở Syria sẽ không thể đạt được nếu không có sự tham gia của Mỹ, hy vọng Nga và Mỹ có thể thống nhất biện pháp chấm dứt xung đột sáu năm ở Syria.

“Tôi hy vọng chúng tôi sẽ đạt được những biện pháp chung về khu vực rất quan trọng và rất nhạy cảm của chính trị thế giới. Chắc chắn nếu không có sự tham gia của một nước như Mỹ, các vấn đề này sẽ không thể giải quyết hiệu quả” - ông Putin nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel sau cuộc gặp song phương ngày 2-5 ở TP Sochi (Nga).

Tổng thống Nga Putin (phải) và Thủ tướng Đức Merkel gặp nhau tại TP Sochi (Nga) ngày 2-5. Ảnh: AP

Tuy nhiên, theo Washington Post, khả năng Mỹ và Nga sẽ có sự hợp tác tốt về Syria rất khó xảy ra. Cả hai ông Putin và Trump đều nói tới một lệnh ngừng bắn và Mỹ đã thông báo đã có kế hoạch gửi đại diện đến cuộc đàm phán ngừng bắn sẽ diễn ra ở Kazakhstan ngày 3-5. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều khúc mắc.

Nhiều nhà phân tích Nga cũng không tin tưởng khả năng này. Theo ông Dmitry V. Syslov, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu toàn diện châu Âu và Quốc tế (Nga), một cản trở chính là yêu cầu của Mỹ rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức. Nga luôn không đồng ý điều này.

Bên cạnh đó, tính cách bốc đồng trong ra quyết định của ông Trump - như vụ nã tên lửa vào Syria vừa qua - cũng là một cản trở Nga hợp tác với Mỹ, theo nhà nghiên cứu Konstantin Sivkov tại Viện Hàn lâm về Khoa học Hỏa tiễn và Pháo binh Nga. “Việc thiếu cân nhắc các quyết định này, thiếu một mục tiêu và đánh giá hậu quả rõ ràng làm tăng rủi ro xung đột quân sự” - theo nhà phân tích Sivkov.

Từ trước khi ông Trump nhậm chức, Tổng thống Putin đã xúc tiến một tiến trình hòa bình cho Syria với sự tham gia của các đối thủ trong khu vực như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các nhóm nổi dậy Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ gặp Tổng thống Putin về Syria tại Sochi trong hôm nay 3-5.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới