OPEC+ giảm sản lượng, giá dầu vẫn sẽ khó tăng

(PLO)- Dù OPEC+ có giảm sản lượng thì giá dầu cũng khó tăng lại, vì nhiều lý do.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo kế hoạch, tháng 11 này, các nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) cắt giảm sản lượng sâu (giảm 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11, tương đương 2% nguồn cung toàn cầu) nhằm hỗ trợ giá dầu đã giảm từ mức 120 USD/thùng ba tháng trước xuống mức 90 USD/thùng hiện tại.

Ban đầu có ý kiến lo ngại một khi OPEC+ giảm sản lượng thì giá dầu sẽ tăng. Tuy nhiên, thực tế nhiều phiên gần đây giá dầu có chiều hướng giảm, dù xen kẽ có phiên tăng. Theo hãng tin Reuters, trong phiên giao dịch đầu ngày 4-11, giá dầu thô Brent giao sau giảm 0,2% xuống 94,45 USD/thùng, sau khi giảm 1,5% trong phiên trước đó. Giá dầu thô kỳ hạn Tây Texas (WTI) của Mỹ giảm 0,3% xuống 87,90 USD/thùng, trong khi phiên trước đó đã giảm hơn 2%.

Saudi Arabia đã hạ giá bán chính thức tháng 12 cho loại dầu thô Arab Light sang châu Á, do mức tiêu thụ nhiên liệu ở Trung Quốc yếu hơn dự kiến ​​trong bối cảnh các quy định nghiêm ngặt về dịch COVID-19 của nước này đã hạn chế nhu cầu trong khu vực, theo hãng tin Reuters. Tập đoàn Aramco định giá dầu thô dựa trên khuyến nghị của khách hàng và sau khi tính toán sự thay đổi giá trị của dầu trong tháng qua, dựa trên sản lượng và giá sản phẩm.

Theo trang Investing.com, một trong ba trang web tài chính hàng đầu thế giới, dù OPEC+ có giảm sản lượng thì giá dầu cũng khó tăng cao lại, vì nhiều lý do.

Nỗi lo suy thoái

Ngày 2-11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có đợt tăng lãi suất lần thứ sáu từ đầu năm đến giờ và là lần thứ tư liên tiếp tăng 0,75%, nâng biên độ lãi suất cơ bản lên 3,75%-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1-2008 . Lo ngại về nguy cơ suy thoái ở Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, tăng thêm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell ngày 3-11 cho biết còn “rất sớm” để nghĩ đến việc tạm dừng tăng lãi suất.

Ngày 3-11, Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo rằng nước Anh đã bước vào suy thoái và nền kinh tế này có thể không tăng trưởng trong hai năm nữa.

Khu vực đồng euro cũng nhiều khả năng khó thoát khỏi suy thoái. Dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy hoạt động kinh doanh của khối này trong tháng 10 giảm với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm. Dữ liệu cũng cho thấy lạm phát khu vực đồng euro lên mức cao nhất mọi thời đại là 10,7%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhắc lại kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất, ngay cả khi chính sách thắt chặt tiền tệ này có thể khiến khối này rơi vào suy thoái.

Các nhà phân tích của Công ty nghiên cứu ANZ Research thuộc Tập đoàn tài chính ANZ (Úc) nhận định “bóng ma về việc tăng lãi suất tiếp tục làm lu mờ hy vọng tăng cầu”. Các nhà phân tích của ANZ đã chỉ ra một số dấu hiệu sụt giảm nhu cầu ở châu Âu và Mỹ, như lượng xe trên đường ít hơn, Amazon cảnh báo doanh số bán hàng yếu hơn.

Ảnh chụp từ trên không cho thấy các tàu lai dắt giúp một tàu chở dầu thô cập bến, ngoài khơi TP Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) ngày 18-7. Ảnh: REUTERS

Ảnh chụp từ trên không cho thấy các tàu lai dắt giúp một tàu chở dầu thô cập bến, ngoài khơi TP Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) ngày 18-7. Ảnh: REUTERS

Mỹ mạnh tay xả kho dự trữ

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho xả kho dự trữ dầu mỏ chiến lược để giải quyết cuộc khủng hoảng nguồn cung hiện nay. Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ hiện đầy hơn một nửa, tổng cộng hơn 400 triệu thùng, cho phép Mỹ có thể hành động nhanh chóng để ngăn giá dầu tăng đột biến và ứng phó với các sự kiện quốc tế.

Mỹ đã xả khoảng 1,9 triệu thùng vào tuần trước như một phần trong kế hoạch xả tổng cộng 180 triệu thùng. Ông Biden cho biết đầu tháng này ông đã bật đèn xanh xả 15 triệu thùng từ kho dự trữ vào tháng 12. Đợt xả vào tháng 12 nhằm mục đích duy trì nguồn cung dầu và ngăn giá xăng tăng, bất kể các hành động trong tương lai của OPEC hay của Nga. Ông Jay Hikes, cựu lãnh đạo Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA), cho rằng động thái này có thể được coi là một phản ứng của Mỹ đối với hành động của OPEC+ và cho thấy Mỹ cũng có quyền di chuyển thị trường.

Ông Biden cũng đã thúc giục các nhà sản xuất dầu tăng sản lượng. Theo dữ liệu mới nhất, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng lên gần 12 triệu thùng/ngày trong tháng 8, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Ông Biden cũng định sẽ yêu cầu các công ty dầu khí bỏ ra một số trong khoản lợi nhuận kỷ lục của họ để giảm chi phí cho các gia đình ở Mỹ.

Trung Quốc giảm sản xuất

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) tháng 10 của Trung Quốc, theo Ngân hàng HSBC, đứng ở mức 48,4, thấp hơn kỳ vọng và cũng thấp hơn 50 - mức ngăn cách giữa tăng trưởng và thu hẹp. Trung Quốc giảm đáng kể hoạt động sản xuất vào tháng 10, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu giảm và chính sách “zero COVID” tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất của nước này.

Chính sách “zero COVID” ở Trung Quốc đã kìm hãm đáng kể hoạt động kinh tế và kinh doanh cũng như nhu cầu dầu của nước này, trong khi Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Nhập khẩu dầu thô ở Trung Quốc giảm 4,3% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm hằng năm đầu tiên trong giai đoạn đó kể từ năm 2014.

Cuối tháng 10, giá dầu thô đã có một đợt phục hồi nhẹ do có đồn đoán rằng Trung Quốc cuối cùng cũng đang xem xét bỏ chính sách “zero COVID” để thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, đồn đoán này không đúng. Số ca nhiễm ghi nhận trong ngày 3-11 ở mức cao nhất kể từ tháng 8. Theo chuyên gia Stephen Innes tại Công ty quản lý tài sản SPI Asset Management (Thụy Sĩ), chừng nào chính sách “zero COVID” của Trung Quốc còn tồn tại thì giá dầu vẫn không lên mức cao.

Với phân tích trên, Investing.com cho rằng động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể làm giá dầu tăng đột biến trong thời gian ngắn nhưng giá dầu sẽ chỉ tăng lâu dài một khi có sự phục hồi sâu rộng trên toàn cầu.•

Nhu cầu về dầu sẽ tiếp tục tăng đến năm 2045

Tại hội nghị năng lượng ADIPEC tuần rồi, OPEC đã trình bày Triển vọng dầu thế giới hằng năm, trong đó dự báo rằng nhu cầu về dầu sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2045, theo hãng tin Bloomberg. Dầu dự kiến ​​sẽ giữ thị phần lớn nhất trong hỗn hợp năng lượng, chiếm gần 29% thị phần vào năm 2045.

Theo quan điểm của OPEC, tất cả các loại nhiên liệu chính, ngoại trừ than, sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng nhu cầu đến năm 2045. Hơn nữa, OPEC cũng cho biết lĩnh vực dầu mỏ toàn cầu sẽ cần khoản đầu tư tích lũy 12.000 tỉ USD cho đến năm 2045, tương đương hơn 500 tỉ USD mỗi năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm