Pep sử dụng chiến thuật những năm 30 trước M.U

Đêm qua, khi đội hình Bayern Munich được công bố, đúng như dự kiến Philipp Lahm đã ra sân ngay từ đầu và dường như anh sẽ chơi ở vị trí hậu vệ cánh phải quen thuộc của mình. Điều này đã được nhiều chuyên gia dự đoán từ trước, bởi lượt đi Bayern đã sử dụng Rafinha, và ở trận đấu đó hậu vệ người Brazil được đánh giá là điểm yếu của hàng phòng ngự Bayern, nơi Man Utd thường xuyên khoét sâu tấn công.
Pep sử dụng chiến thuật những năm 30 trước M.U ảnh 1
Đội hình Bayern với Alaba và Lahm dâng rất cao
Tuy vậy, trên thực tế, Lahm thường xuyên dâng cao và bó vào khu trung lộ bên cạnh cầu thủ chơi thấp nhất ở hàng tiền vệ Bayern, Toni Kroos. HLV Pep Guardiola không sử dụng hậu vệ nào khác ở cánh phải, và vì vậy Lahm đã cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ: anh vừa là tiền vệ trung tâm, vừa là hậu vệ cánh. Đối với đội trưởng của Bayern, điều này không khó khi anh chỉ phải đối mặt với Danny Welbeck, một cầu thủ không phải là tiền vệ hay tiền đạo cánh thực thụ.
Điều kỳ lạ là ở cánh trái, David Alaba cũng làm điều tương tự. Anh cũng dâng cao và di chuyển bên cạnh Toni Kroos như một tiền vệ trung tâm thứ ba, và cũng đảm nhận luôn vai trò hậu vệ cánh trái – ngay cả khi anh phải đối mặt với một cầu thủ chạy cánh thực thụ là Antonio Valencia. Tóm lại, trên sân đấu, Bayern có tới ba tiền vệ trung tâm, trong khi chỉ có hai hậu vệ, và thực tế Guardiola đã sử dụng sơ đồ chiến thuật 2-3-3-2 (hay còn gọi là W-W) vốn rất phổ biến thời thập niên 30 của thế kỷ 20.
Đây không phải là lần đầu tiên Pep Guardiola sử dụng đội hình này. Thời kỳ còn ở Barcelona, chiến lược gia người Tây Ban Nha cũng đã áp dụng sơ đồ W-W trước các đội bóng yếu hơn có xu hướng co cụm phòng thủ. 
Nhìn chung, chiến thuật này không tạo ra nhiều thuận lợi cho Bayern.  Do không có các hậu vệ cánh hỗ trợ tấn công, Arjen Robben và Franck Ribery buộc phải di chuyển dọc cánh phải và cánh trái của đội chủ nhà và rất ít khi có cơ hội di chuyển vào trong để tung ra những cú dứt điểm vốn là sở trường của cả hai. Tất nhiên, việc bố trí hai cầu thủ này ở khu vực sát đường biên cũng giúp Bayern kéo dãn hàng phòng ngự co cụm của M.U, nhưng về cơ bản điều này không giúp được nhiều cho đội chủ nhà trong hiệp 1.
Bayern chỉ trở lại với lối chơi thông thường khi tỷ số đã là 1-1. Pep Guardiola rút Mario Gotze và thay thế bằng Rafinha, một hậu vệ cánh phải, và kéo David Alaba về vị trí cánh trái của anh. Philipp Lahm được đẩy lên chơi bên cạnh Toni Kroos, và Bayern trở lại với đội hình 4-2-3-1 quen thuộc.
Được chơi ở đúng vị trí trước một đối thủ không còn co cụm phòng thủ, Bayern đã nhanh chóng có thêm hai bàn thắng. Ở bàn thắng thứ nhất, Thomas Muller đã dâng cao để ghi bàn từ một cú tạt bóng của Robben, trong khi ở bàn thắng thứ hai Robben đã bó vào trung lộ để tung ra cú dứt điểm sở trường. Sở dĩ anh làm được điều này là bởi khi đó Bayern đã có một hậu vệ cánh phải chơi đúng vị trí.
Theo Nhật Duy (Bongdaso)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm