PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: 'TP.HCM cần có các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế, quốc gia'

(PLO)- Tại hội nghị tập huấn lý luận, phê bình văn học nghệ thuật năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhận định “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là một bộ phận quan trọng trong văn hóa TP.HCM. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-12, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tập huấn lý luận, phê bình văn học nghệ thuật năm 2023.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cho biết: "Hội đồng đã tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu, lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, góp phần tích cực vào sự nghiệp “Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phát biểu. Ảnh: TT

Bên cạnh đó, Hội đồng đã phối hợp với các cơ quan báo chí thành phố duy trì bài viết phản ảnh thông tin văn học, nghệ thuật và các bài tham luận nhận định, đánh giá văn học, nghệ thuật trên các chuyên trang, chuyên mục, chương trình phát thanh... nhằm tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, phê phán những sáng tác có chiều hướng lệch lạc, dễ dãi, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Tuy nhiên trên thực tế, có rất ít bài lý luận góp ý phê bình định hướng dư luận xã hội về lĩnh vực này.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Các đại biểu tham gia Hội nghị tập huấn. Ảnh: TT

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM đến khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, Hội đồng tổ chức Hội nghị tập huấn dành cho các cơ quan, đơn vị địa phương các trường đại học cao đẳng chuyên ngành văn hóa, văn học, nghệ thuật, cơ quan truyền thông báo, đài và hội văn học nghệ thuật trên địa bàn thành phố.

"Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" là một phần tiêu biểu của văn hóa TP.HCM

Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trình bày chuyên đề Xây dựng "không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở TP mang tên Người.

PSG TS Nguyễn Thế Kỷ: Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ trình bày chuyên đề xây dựng "không gian văn hóa Hồ Chí Minh" trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở TP mang tên Người. Ảnh: TT

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là một bộ phận quan trọng trong văn hóa TP.HCM. Nền tảng, sức mạnh của văn hóa TP.HCM là cơ sở, điều kiện, động lực để xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.

Những năm qua, TP đã thực hiện tốt nhiều phong trào như "Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa”; chương trình mục tiêu quốc gia "Xây dựng nông thôn mới” ở các địa phương ngoại thành; các cuộc vận động "Đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”; Mùa hè xanh; Hành trình thành phố tôi yêu;... Đó là những tiền đề rất tốt, rất thuận tiện để xây dựng và thực hiện Chương trình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương ở TP.HCM đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm, trưng bày tranh, ảnh, tư liệu, sách, báo về cuộc đời, hoạt động của Bác... Ứng dụng công nghệ thông tin, đưa “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” lên mạng qua: bảo tàng trực tuyến, website, facebook, youtube, tiktok...dưới hình thức bài viết, đoạn phim ngắn, infographic, tài liệu...

Từ năm 2021, trên hệ thống Trang cộng đồng Cột cờ Thủ Ngữ đã lập các chuyên mục “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh – Biên niên sử truyền hình”, “Học tập và làm theo Bác kính yêu”, “Học Bác mỗi ngày”... thu hút hàng triệu lượt người xem, tương tác, chia sẻ, tạo nên sức lan tỏa nhanh, rộng khắp đến người dân.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng
Các đại biểu tham quan triển lãm tranh trưng bày tại Hội nghị tập huấn

Để phát triển văn hóa, văn nghệ TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, cần tập trung xây dựng con người TP.HCM phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo với những phẩm chất yêu nước, đoàn kết, nghĩa hiệp, cởi mở, sáng tạo, can trường, nhân hậu, nhân văn. Chú trọng đầu tư, phát triển công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa. Số hóa các di sản văn hóa, các nguồn tài nguyên văn hóa nhằm tạo dựng nguồn dữ liệu số hóa về văn hóa Sài Gòn – TP.HCM.

Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM theo định hướng của nền kinh tế số, xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và hành lang pháp lý nhằm khuyến khích phát triển thị trường văn hóa số, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian số. Có các biện pháp hạn chế, ngăn chặn các ảnh hưởng, tác động tiêu cực của văn hóa số đến đời sống xã hội đặc biệt là với giới trẻ. Xác lập quyền lực mềm quốc gia và sức mạnh mềm thành phố bằng văn hóa với các chính sách phát triển hợp lý trên cơ sở các giá trị đặc sắc, lợi thế cạnh tranh của văn hóa thành phố.

Đặc biệt, “TP.HCM cần chú ý tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế, quốc gia, trở thành các sự kiện thường niên, có uy tín, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa, nghệ thuật có uy tín được đông đảo công chúng quan tâm”, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

Một số nội dung trọng tâm về công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn mới

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu cũng nghe chuyên đề Một số nội dung trọng tâm về công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết XIII của Đảng và Hội nghị văn hóa toàn quốc do ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minht.jpg
Ông Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, trao đổi tại hội nghị. Ảnh: TT

Để định hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về công tác văn hóa, văn nghệ trong thời gian tới, ông Nhựt cho biết cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Tiếp tục huy động đóng góp của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà lãnh đạo, quản lý… để tổ chức nghiên cứu, sớm xác định và tổ chức triển khai thực hiện các hệ giá trị trong thực tiễn...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm