Phải cấm bảo hiểm làm phiền, quấy nhiễu người dân

Sáng 29-10, thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đề cập đến nhiều vấn đề như: bảo hiểm vi mô, hợp đồng bảo hiểm, các quy định cấm… Cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị quy định rõ về giao kết hợp đồng, tránh xảy ra tranh chấp.
Các ĐB đều thống nhất cần sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm để bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề mà ĐBQH nêu. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói trước QH là sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của ĐBQH và phối hợp với các ủy ban của QH để hoàn thiện dự luật và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay Ban soạn thảo sẽ hoàn thiện các khái niệm, các hành vi nghiêm cấm và quy định cụ thể về bảo hiểm bắt buộc. Đồng thời sẽ quy định về hợp đồng bảo hiểm theo hướng rõ hơn, cụ thể hơn để phù hợp với những quy định về hợp đồng trong BLDS 2015 và các bộ luật khác. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm trong thực hiện hợp đồng bảo hiểm. 
ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) và một số ĐBQH đề nghị rà soát và làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm như: hình thức hợp đồng bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, đơn phương chấm dứt hợp đồng... để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo Luật, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên.
ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng để tăng cường quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, cần kiểm soát nội dung hợp đồng bảo hiểm theo mẫu.
“Tuy quản lý nhà nước không can thiệp vào quyền kinh doanh của doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của cả doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm” - ĐB Hoa Ry nói.
Còn ĐB Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) đề cập đến 5 hành vi bị nghiêm cấm trong dự luật và đề nghị bổ sung: “Nghiêm cấm việc làm phiền, quấy nhiễu khách hàng và tuân thủ các quy định về thông tin, truyền thông”. Bởi trong thực tế, doanh nghiệp bảo hiểm cho phép nhân viên quảng bá, nhắn tin điện thoại gây bức xúc trong dư luận.
ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) thì quan tâm đến quy định của bảo hiểm bắt buộc. Theo ĐB Dung, còn rất nhiều hình thức cần thực hiện bảo hiểm bắt buộc như vui chơi mạo hiểm, lướt sóng. Các quy định trong dự thảo luật cần tránh hình thành “cây đa cấp”, dẫn đến rủi ro, đổ vỡ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm