Phải chặn đứng chi phí ngoài luồng

Ngày 19-5, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số CCHC (PAR Index) và Chỉ số hài lòng (SIPAS) năm 2019. 

Vẫn còn nợ đọng văn bản, chậm giải quyết hồ sơ cho dân

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong CCHC năm 2019. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, vị trí của Việt Nam được cải thiện một cách đáng kể trên một số xếp hạng uy tín.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương vẫn còn những hạn chế, yếu kém trong công tác này nên cần phải khắc phục. Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa thể hiện vai trò, trách nhiệm đúng mức trong việc thúc đẩy cải cách để tạo chuyển biến trong hoạt động quản lý nhà nước, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế-xã hội

Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn tồn tại nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm; còn tồn tại văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. một số bộ, ngành chưa chú trọng việc trả lời kiến nghị của cá nhân, tổ chức, đặc biệt là kiến nghị liên quan đến vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thực hiện thể chế, chính sách.

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nội dung công bố, công khai TTHC và công khai kết quả giải quyết hồ sơ TTHC. Nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi phương thức giải quyết TTHC, còn tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, không thực hiện việc xin lỗi người dân, tổ chức khi giải quyết TTHC trễ hẹn…

“Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, do đó chúng ta cần chuẩn bị điều kiện, thời cơ, thể chế, trong đó có CCHC tốt hơn nữa để đón nhận các làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam” - Phó Thủ tướng thường trực nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính. Ảnh: VGP

Cán bộ phải biết xin lỗi dân

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ông nhấn mạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.

62/63 tỉnh có công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 46/63 tỉnh có công chức gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí. 

Đó là kết quả đánh giá Chỉ số hài lòng 2019. 

“Cải cách là để làm cho bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cán bộ, công chức phải biết đề cao ý thức là công bộc của dân, phục vụ nhân dân, không được sách nhiễu nhân dân” - Phó Thủ tướng thường trực nêu rõ. “Người dân, doanh nghiệp đến cơ quan hành chính nhà nước phải được hướng dẫn cụ thể về trình tự và thủ tục, nếu công chức và cơ quan trễ hẹn ngày trả kết quả giải quyết thì phải nêu rõ lý do và xin lỗi chân thành. Xin lỗi là điều đầu tiên người cán bộ phải biết, thể hiện sự trọng dân, học dân” - Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh phải đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện tốt việc thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu tinh giản biên chế 10% giai đoạn 2015-2021.

Theo Phó Thủ tướng, tới đây, các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh cải cách TTHC nhanh, quyết liệt và thực chất hơn, trong đó có việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh; cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành. “Chú ý thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống tham nhũng vặt, các bộ, ngành, địa phương sớm sơ kết việc thực hiện chỉ thị này, phải tạo ra sự chuyển biến thực sự trong bộ máy công quyền, không để chi phí ngoài luồng của người dân với bộ máy chính quyền” - Phó Thủ tướng thường trực lưu ý.

Dân đã bớt phải đi lại nhưng vẫn… phiền

Các Chỉ số hài lòng 2019 phản ánh cảm nhận của người dân, tổ chức về việc phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, bị trễ hẹn, phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực đều ở mức thấp và có xu hướng giảm dần qua các năm, kể từ năm 2017. 

Năm 2019, có 5,41% người dân, tổ chức cho biết phải đi lại từ bốn lần trở lên; 1,41% bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 0,47% bị công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí theo quy định. 

Chỉ số hài lòng 2019 cho thấy 63/63 tỉnh để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức đi lại nhiều lần. 62/63 tỉnh xảy ra việc cơ quan trễ hẹn trả kết quả dịch vụ; 62 tỉnh trễ hẹn trả kết quả đều thực hiện không nghiêm quy định về thông báo, xin lỗi người dân, tổ chức. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm