Ngày 9-1, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác cải cách hành chính (CCHC) TP năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Tạo chuyển biến tích cực trong cán bộ
Theo ông Huỳnh Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, năm qua TP đã tiếp nhận 81 phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính. Trong đó gần 50 trường hợp nội dung phản ánh là hành vi chậm trễ, gây phiền hà, thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định của cán bộ, công chức.
TP đã chuyển phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định. “40 trường hợp đã có kết quả xử lý và đã phản hồi cho dân, còn tám trường hợp đang xem xét, giải quyết” - ông Hùng thông tin.
Bên cạnh đó, TP thường xuyên theo dõi thông tin phản ánh về thủ tục hành chính trên báo chí để có chỉ đạo xác minh, kiểm tra và chấn chỉnh.
TP cũng tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức... Đoàn kiểm tra đã kiểm tra 30 đơn vị, yêu cầu xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức vi phạm nội quy, giờ giấc làm việc và kết quả xử lý này được đưa vào đánh giá cán bộ, công chức hằng năm. “Công tác kiểm tra việc thực hiện CCHC đã kịp thời chấn chỉnh và đề ra những giải pháp khắc phục hạn chế, thiếu sót tại các đơn vị được kiểm tra. Từ đó, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao ý thức phục vụ của công chức, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp” - ông Hùng nói.
Tại hội nghị, nhiều sở, ngành, quận, huyện cũng đưa ra giải pháp, sáng kiến về CCHC để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết năm 2019 lần đầu tiên trên cả nước, Sở Y tế đã chính thức triển khai đồng bộ hoạt động khảo sát trải nghiệm của người bệnh sau thời gian nằm viện tại các bệnh viện công và tư.
Kết quả khảo sát trải nghiệm của hơn 5.700 người bệnh ở thời điểm xuất viện của 91 bệnh viện trong năm 2019 cho thấy các trải nghiệm tích cực có tỉ lệ thấp bao gồm: Thời gian làm thủ tục nhập viện vào các khoa nội trú, thời gian chờ bác sĩ khám bệnh khi nhập vào khoa nội trú, thời gian chờ làm thủ tục xuất viện... Từ đó, ông Thượng khẳng định đây là mô hình hay, hiệu quả và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chủ trì hội nghị. Ảnh: T.LÂM
Đổi mới phương pháp làm việc
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành phong cho biết thực hiện chủ đề “Năm đột phá CCHC và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”, công tác CCHC đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung.
Trong năm qua đã có 665 mô hình, giải pháp về CCHC được đăng ký, trong đó đã triển khai nhân rộng năm mô hình và giới thiệu 251 sáng kiến tại các cơ quan, đơn vị.
Theo ông Phong, cơ chế ủy quyền; chính sách thu hút mời gọi chuyên gia, nhà khoa học, nhân tài và quy định về chi thu nhập tăng thêm đã tạo động lực để cán bộ, công chức TP nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Việc đổi mới phương pháp làm việc trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin như phòng họp không giấy, các phần mềm ứng dụng trên nền tảng di động như Facebook, Zalo để phục vụ người dân và doanh nghiệp… đã tiết kiệm được thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý.
12.254.000 hồ sơ thủ tục hành chính mà các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã tiếp nhận trong năm 2019 và các cơ quan, đơn vị đã giải quyết được hơn 12.063.000 hồ sơ, đang giải quyết 407.000 hồ sơ. |
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục khắc phục. Một số người đứng đầu các cơ quan, đơn vị còn e dè, sợ trách nhiệm, chưa quyết tâm xử lý triệt để các hạn chế, thiếu sót, vi phạm của công chức, viên chức, đặc biệt là việc giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân và doanh nghiệp bị trễ hạn trong lĩnh vực đất đai, xây dựng. Số lượng hồ sơ trễ hạn là 64.000 hồ sơ trong tổng số 21 triệu hồ sơ là vẫn còn cao, vẫn là nỗi bức xúc của người dân. “Có đơn vị vẫn chưa thể hiện sự cầu thị, đồng cảm với nhu cầu của người dân, chưa nghiêm túc thực hiện thư xin lỗi đối với hồ sơ trễ hạn” - ông Phong nói.
Ông cũng không hài lòng với việc vẫn còn trường hợp người dân phải đi lại bổ sung nhiều lần và trả chi phí mà không được cung cấp hóa đơn, phiếu thu chính thức khi làm thủ tục hành chính.
Ông đề nghị thời gian tới TP tiếp tục thực hiện quyết liệt CCHC, lấy kết quả, hiệu quả trong công tác CCHC và tỉ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp để làm căn cứ xét thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức.
Ông Phong cũng đề nghị cần phải kiểm tra đột xuất đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của công chức, viên chức và xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, gây khó cho người dân và doanh nghiệp.
5 sáng kiến cải cách hành chính được nhân rộng • Mô hình “Bình Thạnh trực tuyến” được cài đặt trên điện thoại thông minh đến tận người dân trên địa bàn, tiếp xúc các hộ kinh doanh trên từng tuyến đường giúp phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự đô thị. • Ứng dụng “Thông tin quy hoạch thành phố” giúp tra cứu thông tin quy hoạch tại Sở Quy hoạch-Kiến trúc bằng các ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính bảng và trang tin điện tử. • Mô hình tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn quận Bình Tân. • Đường dây nóng tại UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. • Mô hình liên thông điện tử giữa cơ quan tài nguyên và môi trường với cơ quan thuế tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 12. |