Chiều 27-10, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 11- CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Tại hội nghị, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng cho biết, TP có 1.791 cơ sở giáo dục thường xuyên; 310 trung tâm học tập cộng đồng tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.
TP.HCM cũng là địa phương trú đóng của 51 cơ sở giáo dục đại học và Đại học Quốc gia. Chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường từ mầm non, phổ thông, đến giáo dục thường xuyên của TP được khẳng định và có uy tín đối với xã hội, thu hút không chỉ học sinh TP mà còn tiếp nhận học sinh đến từ mọi miền đất nước.
Để thực hiện mục tiêu khuyến khích học tập suốt đời trong giai đoạn hiện nay, ngành GD-ĐT TP tiếp tục củng cố mạng lưới trường lớp; tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo.
Cùng đó, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo TP; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo TP.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được Đảng bộ và hệ thống chính trị TP quan tâm thực hiện, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.THÙY |
TP cũng đã phát huy tốt vai trò nòng cốt của hội khuyến học các cấp, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển sâu rộng đến từng gia đình, dòng họ, địa bàn dân cư, cơ quan, trường học.
Hội viên khuyến học phát triển mạnh về số lượng, chất lượng. Năm 2008 là 173.609 hội viên đến TP đã có hơn là 430.000 hội viên, tỉ lệ đảng viên là hội viên khuyến học hiện nay là 98,1%.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được quan tâm thực hiện như tạo điều kiện cho công nhân đang trực tiếp sản xuất tham gia học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; giảm học phí cho công nhân, người lao động tham gia hệ vừa học vừa làm; hỗ trợ vay vốn đi học lãi suất 0%...
Để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải yêu cầu cần xây dựng chính sách khuyến khích cán bộ, đảng viên tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Quan tâm thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế tri thức… Đặc biệt tập trung thực hiện chương trình chuyển đổi số và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP, xem đây là cuộc cách mạng tạo ra sự phát triển vượt bậc, đột phá, đóng góp cho sự phát triển của TP, đất nước.
Ông cũng đề nghị các cấp hội tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hội khuyến học cơ sở ngày càng vững mạnh, tạo nên phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập ở từng cơ sở, địa phương.
Ngành giáo dục cần thường xuyên rà soát, nắm chắc nhu cầu học và khả năng cung ứng của hệ thống trường lớp trên địa bàn TP, tránh tình trạng quá tải trường lớp; nâng cao chất lượng dạy học.
TP.HCM cũng cần nghiên cứu các giải pháp để có thể ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đội ngũ thầy cô giáo yên tâm công tác, bảo đảm cuộc sống, đặc biệt là với khu vực còn nhiều khó khăn.
TP.HCM có hơn 1,4 triệu hội viên khuyến học
Bà Lê Minh Ngọc, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học TP, cho biết, từ 35 thành viên đầu tiên của ngày đầu mới thành lập, qua 20 năm phát triển, đến nay tổ chức hội đã phát triển mạnh.
Toàn TP hiện có 310 hội khuyến học phường, xã; 4.643 chi hội khuyến học và 24.852 tổ hội khuyến học với hơn 1,4 triệu hội viên.
Tổ chức hội các cấp ngày càng được củng cố và phát triển vững mạnh, tạo nhiều dấu ấn trong các hoạt động như chương trình “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học”, mô hình học bổng khuyến tài (còn gọi học bổng 1&1).